Với hệ thống truy xuất nguồn gốc đang được triển khai ở Việt Nam, người tiêu dùng chỉ cần dùng smartphone quét mã code dán trên sản phẩm là có thể biết sản phẩm có nguồn gốc từ đâu, ai cung cấp, phun loại thuốc nào, liều lượng ra sao…
Hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp kiểm soát an toàn thực phẩm được ông Nguyễn Hữu Lợi - Công ty cổ phần giải pháp và dịch vụ truy xuất nguồn gốc (Trace Verified) thuộc Hiệp hội Thực phẩm minh bạch - giới thiệu tại hội thảo “Chung tay xây dựng nền sản xuất thực phẩm an toàn, minh bạch” sáng 15/6.
Lấy được chứng nhận là ngừng hoàn thiện
TS Nguyễn Thị Hồng Minh - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội Thực phẩm minh bạch - nêu một thực tế về thực phẩm đang có mặt trên thị trường Việt Nam: “Nhiều doanh nghiệp làm tốt, nhưng bản thân họ quá đơn lẻ và thường bị thương lái ép đủ bề. Số khác biết thực tế như vậy nên đành tặc lưỡi cho qua vì bất lực trước sức cám dỗ của vòng xoáy lợi ích từ thực phẩm bẩn. Nhiều đại gia đầu tư mở rộng chuỗi phân phối, cửa hàng bán lẻ, nhưng việc họ quản lý an toàn thực phẩm như thế nào lại là một ẩn số”.
Ông Vũ Thế Thành - chuyên gia về an toàn thực phẩm - nói rằng, ông luôn cảm thấy kỳ lạ với các doanh nghiệp ở Việt Nam khi họ đặt mục tiêu đạt các tiêu chuẩn như ISO, VietGap hay ASAC, bởi lẽ hầu hết doanh nghiệp chỉ hoàn thiện hệ thống cho đến khi đạt chứng nhận rồi ngừng. “Điều quan trọng là duy trì, cải thiện hệ thống mới chứ không phải cố gắng để có tờ giấy công nhận rồi thôi. Các doanh nghiệp Việt Nam dường như đang hiểu nhầm, bởi khi đạt tiêu chuẩn, họ mới chỉ ở điểm xuất phát của đường đua, dừng lại nghĩa là chưa xuất phát đã chạy ra ngoài” - ông Thành nói.
Truy xuất nguồn gốc - có cầu sẽ có cung
Theo ông Vũ Thế Thành, để bảo đảm an toàn thực phẩm, hiện rất nhiều nước - kể cả những nước gần gũi với Việt Nam về địa lý và điều kiện kinh tế - xã hội như Thái Lan, Ấn Độ - thực hiện truy xuất nguồn gốc. Châu Âu và Mỹ đều quy định hàng xuất khẩu phải có truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên tại Việt Nam, khái niệm này vẫn còn rất xa lạ. Các nhà sản xuất cho rằng họ phải giữ bí quyết và rất ngần ngại khi bị yêu cầu công bố quy trình sản xuất.
“Khi công nghệ chưa phát triển, người tiêu dùng chỉ có cách dựa vào uy tín của nhãn hiệu sản phẩm. Việc kê khai sản xuất cũng chỉ làm theo quy định mà thôi. Hiện nay, người tiêu dùng muốn biết nhiều hơn như: Sản phẩm được trồng như thế nào, từ đâu, ai cung cấp nguồn giống, ai là người chăm sóc, thu hoạch” - ông Thành nói.
Năm 2011, hệ thống truy xuất nguồn gốc đã được một tổ chức của Đan Mạch tài trợ để Việt Nam xây dựng cho các sản phẩm xuất khẩu. Sau 2 năm khi tài trợ kết thúc, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch tiếp tục phát triển hệ thống, mở rộng truy xuất sản phẩm trong và ngoài nước. Hiện đã có một số doanh nghiệp tham gia hệ thống này, khách hàng của họ đã có thể chủ động tìm kiếm thông tin chi tiết về quá trình tạo ra sản phẩm bằng các thiết bị điện tử có kết nối Internet.
Với hệ thống này, quy trình kiểm soát nguồn gốc được thực hiện từ nguồn giống, gieo hạt, quá trình canh tác, vận chuyển tới người mua. Mỗi sản phẩm được mã hoá thành code riêng, người tiêu dùng có thể sử dụng smartphone quét và đọc thông tin như sản phẩm có nguồn gốc từ đâu, ngày gieo hạt, ngày thu hoạch, phun loại thuốc nào, liều lượng ra sao, số lượng thu hoạch…
Ông Nguyễn Hữu Lợi khẳng định: “Chúng tôi kiểm soát các trang trại bằng cách đối soát giữa tra cứu điện tử với nhật ký hồ sơ giấy tờ mà trang trại vẫn ghi chép hằng ngày. Theo hợp đồng quy định, chúng tôi đảm bảo sự chính xác về thông tin điện tử, còn các doanh nghiệp chịu trách nhiệm về thông tin trên giấy”.
Đánh giá tương lai của hệ thống truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam, bà Phạm Phương Thảo - đại diện hệ thống cung cấp thực phẩm hữu cơ Organica - đơn vị đã tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc - nói: “Các doanh nghiệp Việt Nam có thể chưa quen với việc minh bạch nguyên liệu và sản phẩm đầu ra, tuy nhiên đây không phải việc khó tới mức không làm được. Có cầu thì sẽ có cung. Nếu có nhiều người tiêu dùng quan tâm tới mọi thông tin xung quanh sản phẩm và yêu cầu được biết điều đó thì nhà sản xuất trước sau cũng phải chấp nhận cuộc chơi”.