Lễ Quốc gia 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể sáng nay tại Hà Nội chính là dịp để ôn lại và khẳng định giá trị lý luận, thực tiễn của Di chúc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những chỉ dẫn quan trọng cho đất nước
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những chỉ dẫn quan trọng cho đất nước qua Di chúc của mình.

Sáng 30/8, Lễ Quốc gia 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 50 năm Ngày mất của Người đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội.

Hơn 3.500 người đã tham dự buổi lễ, trong đó có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ viên Trung ương Đảng… Ngoài ra, còn có các đại diện Đảng, chính phủ từ trung ương đến địa phương; đại diện một số cơ quan ngoại giao, các vị lão thành cách mạng; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang; Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; cựu chiến binh; nhân sĩ; trí thức; tôn giáo; dân tộc thiểu số; học sinh; sinh viên; các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô...

Bên cạnh các chương trình nghệ thuật tái hiện sự nghiệp của Bác, ca ngợi Đảng và lòng biết ơn vô hạn với công lao của Hồ Chủ tịch, buổi lễ còn dành nhiều thời gian cho những bài phát biểu chia sẻ của các vị đại biểu nhằm ôn lại và khẳng định giá trị lý luận, thực tiễn của Di chúc.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong buổi lễTổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định 50 năm qua, tư tưởng Hồ Chí Minh và Di chúc của Người luôn đồng hành cùng dân tộc, góp phần dẫn dắt đất nước trên mọi hoạt động.

Ông nhấn mạnh, mặc dù Di chúc của Bác chỉ gói gọn trong hơn 1.000 chữ nhưng đã thể hiện rõ chân lý "Không có gì quý hơn độc lập tự do" và truyền lại niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Ông cũng nêu rõ, muốn xây dựng đất nước phải chỉnh đốn Đảng và tiếp tục học tập, rèn luyện, noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. "Chúng ta tự hào với tất cả những gì làm được, song không khỏi trăn trở, day dứt. Có nhiều khó khăn, thách thức, nếu không kiên quyết, kiên trì đẩy lùi sẽ biến thành nguy cơ đe dọa đến vận mệnh của Tổ quốc", Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.

Trong 4 năm, từ năm 1965 đến 1969, Bác Hồ đã nhiều lần sửa Di chúc, có những khi chỉ đôi ba từ, nhưng đều là những đúc kết quan trọng của một người nhìn xa cho vận mệnh đất nước.

Viết trong hoàn cảnh cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc có khả năng kéo dài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra mục tiêu cách mạng dài hạn cho cả dân tộc là làm sao “Xây dựng nước Việt Nam độc lập, hòa bình, dân chủ và giàu mạnh”. Những điều căn bản này đòi hỏi sự đồng lòng chung sức lớn lao và đến tận bây giờ vẫn đang được người dân Việt Nam nỗ lực thực hiện.

Trong Di chúc, Bác nhắc cũng đến vấn đề đấu tranh giữa những cái cũ kỹ, lạc hậu với những cái mới mẻ để hướng tới sự đổi thay, và phải dựa vào sức dân, để người dân thực sự trở thành chủ thể xây dựng đất nước.

Những bài học này vẫn còn nguyên ý nghĩa ở thời điển hiện tại khi Việt Nam đang trên đường đổi mới, hội nhập quốc tế, hướng tới sự thịnh vượng và bền vững hơn.