Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam (VRDF 2019) là nơi tập hợp các ý kiến cho việc phát triển kinh tế trong 10 năm tiếp theo

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các diễn giả tham gia diễn đàn VRDF 2019 | Ảnh: BTC
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các diễn giả tham gia diễn đàn VRDF 2019 | Ảnh: BTC

Ngày 19/9 tại Hà Nội, Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam (VRDF 2019) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan Phát triển quốc tế Úc (AusAid) tổ chức nhằm lấy ý kiến cho nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, và phương hướng và nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Hàng trăm đại diện của các cơ quan chính phủ, chuyên gia và nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới, đối tác và doanh nghiệp trong và ngoài nước thảo luận 3 nội dung chính: Thể chế kinh tế thị trường; Đổi mới sáng tạo để vượt bẫy thu nhập trung bình và Các hành động của Việt Nam.

Cần táo bạo hơn trong cải cách

Phát biểu khai mạc Diễn đàn vào sáng ngày 19/9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh bối cảnh mới, nơi kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn ngày càng phổ biến.

Thế giới mà chúng ta đang sống đang thay đổi rất mau lẹ với nhiều diễn biến phức tạp, mức độ cạnh tranh kinh tế, thương mại toàn cầu ngày càng cao. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự xuất hiện của nhiều công nghệ chưa từng có đang làm thay đổi mạnh cách thức kinh doanh, vận hành nền kinh tế và doanh nghiệp. Các hình thái kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn ngày càng phổ biến. Bối cảnh này mang lại cơ hội và cả thách thức cho những nước đang phát triển như Việt Nam, đòi hỏi các nước phải rất nhanh nhạy trong nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, nếu không sẽ không bắt kịp xu thế phát triển của thời đại", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Trước bối cảnh đó, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng, “Việt Nam có mọi tiềm năng để phát triển nhưng cần cải cách táo bạo hơn nữa để phát triển và quản lý rủi ro”.

Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cũng đưa ra các khía cạnh khác nhau và kinh nghiệm của họ tại Diễn đàn.

Tạo công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp

Ông David Dollar, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Brookings (Hoa Kỳ), nhận xét, hoạt động xuất khẩu trực tiếp của Việt Nam chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài đảm nhiệm. So với các nước trong khu vực, tỷ lệ đầu tư vào lĩnh vực tài chính và khu vực tư nhân của Việt Nam còn thấp. Nhiều nghiên cứu cho thấy doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam chủ yếu là quy mô nhỏ và gặp nhiều khó khăn để phát triển. Mặc dù những năm qua, môi trường kinh doanh Việt Nam có cải thiện nhưng vẫn còn những yếu kém gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc trong tăng cường giá trị xuất khẩu chỉ ra, họ có được thành công nhờ việc tăng giá trị xuất khẩu của khu vực tư nhân, biến chúng trở thành động lực quan trọng cho kinh tế đất nước, tạo thêm việc làm. Ông khuyến nghị Việt Nam "cần tạo sân chơi công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân".

Tham dự VRDF 2019
Các đại biểu tham dự diễn đàn VRDF 2019 | Ảnh: BTC

Doanh nghiệp tư nhân không chỉ phải cạnh tranh với doanh nghiệp nhà nước mà còn cả các doanh nghiệp vốn FDI. Theo đánh giá của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam về Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 (PCI 2018): 45% doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp FDI được ưu tiên giải quyết khó khăn hơn doanh nghiệp trong nước; 37% doanh nghiệp cho rằng chính quyền ưu tiên thu hút FDI hơn phát triển tư nhân trong nước; FDI được hưởng ưu đãi về thuế lớn.

Một trong những vấn đề quan trọng của nền kinh tế thị trường là sự tự do tài chính. Việc tiếp cận tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước và mở cửa hơn nữa các thị trường tài chính, chứng khoán do đó được khuyến nghị tại Diễ đàn. “Trước đây Việt Nam thường phụ thuộc vào kênh ngân hàng để cung cấp vốn cho nền kinh tế, nhưng nay cần đa dạng hóa các nguồn vốn để tiếp nhiên liệu cho tăng trưởng kinh tế”, theo ông Alwaleed Alatabani, chuyên gia kinh tế trưởng về khu vực tài chính của WB tại Việt Nam.

Theo mô hình kiến tạo hay mô hình điều chỉnh?

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đặt ra vấn đề là phải chọn một hệ chuẩn và vận hành, phát triển bộ máy theo hệ chuẩn đó. Ông khẳng định Việt Nam đã từ bỏ mô hình kế hoạch hóa từ năm 1986, nhưng việc hình thành mô hình mới vẫn còn một số ranh giới chưa rõ ràng. Có 2 mô hình có thể cân nhắc theo là mô hình nhà nước điều chỉnh và nhà nước kiến tạo phát triển.

Đặc trưng hết sức cơ bản của mô hình nhà nước kiến tạo là nhà nước trực tiếp đề ra một kế hoạch phát triển công nghiệp (với những tham vọng lớn) và đầu tư mãnh mẽ về cơ chế, chính sách và nhiều khuyến khích khác để thúc đẩy công nghiệp phát triển. Ông cho rằng Việt Nam chuyển từ kế hoạch hóa tập trung sang thị trường thì mô hình nhà nước kiến tạo sẽ là mô hình phát triển phù hợp.

Tuy nhiên, “Chúng ta nói nhiều về mô hình kiến tạo phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, nhưng hành xử ngày càng theo mô hình điều chỉnh như Anh, Mỹ [theo chủ thuyết thị trường tự do]. Nếu theo mô hình điều chỉnh, rất dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình vì văn hóa của chúng ta khác với [văn hóa thị trường] các nước Anh, Mỹ". TS. Nguyễn Sĩ Dũng nói. Thành công của mô hình nhà nước điều chỉnh lại phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của các doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, một nhược điểm là hiện nay bộ máy nhà nước không có sự phân định đủ rõ ràng giữa hành pháp chính trị và hành chính công vụ, khiến việc “không rõ trách nhiệm là cấp nào” thường xảy ra. Đề nghị đưa ra là phải phân quyền cho địa phương, ưu tiên quyền và xác lập quyền lực cho địa phương. "Phân quyền cho địa phương thì đất nước sẽ thịnh vượng nhanh hơn rất nhiều", TS. Nguyễn Sĩ Dũng nói.

Mô hình nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam được xem là “rất khó thực hiện do bộ máy hành chính hiện nay còn yếu kém”, theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM). Ông cho rằng thực tế nhà nước Việt Nam vẫn là nhà nước sở hữu, kiểm soát và thương mại hóa, nên khó lòng bắt chước Nhật Bản, Hàn Quốc, do “hai quốc gia này đều đã thống nhất về những nguyên tắc cơ bản để xây dựng kinh tế thị trường còn Việt Nam thì chưa.

Cũng trong nội dung này, TS. Jonathan Pincus, Chủ tịch Quỹ Rajawali (Indonesia), nguyên Chuyên gia kinh tế trưởng của UNDP Việt Nam, chỉ ra rằng có 3 vấn đề trong quá trình cải cách đã khiến cho việc thực thi chính sách tại Việt Nam trở nên khó khăn.

Thứ nhất là phân mảnh về quyền lực, các cơ quan nhà nước cùng muốn nắm giữ quyền lực trong các lĩnh vực chính sách.

Thứ hai là thương mại hóa nhà nước, các cơ quan nhà nước có lợi ích vật chất trong việc quản lý, mua bán tài sản nhà nước.

Thứ ba là tinh thần thực tài bị suy yếu, Chính phủ gặp nhiều thách thức trong việc tuyển dụng được nhân lực trẻ tài năng, đào tạo tốt và có tinh thần cống hiến cho xã hội do cạnh tranh thu hút nhân lực ngày càng gia tăng.

Từ đó, TS. Pincus đề xuất 3 phương thức tăng cường hiệu quả các thể chế chính quyền, bao gồm: hợp lý hóa và tập trung công tác nhân sự; áp dụng các kỉ luật thị trường; và thực hiện trách nhiệm giải trình với công dân để tăng cường sự minh bạch.

Trao đổi tại diễn đàn VRDF 2019 | Ảnh: BTC
Trao đổi tại diễn đàn VRDF 2019 | Ảnh: BTC

Tăng cường vào vốn con người

Bà Mari Elka Pangestu, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại và Bộ trưởng Bộ Du lịch và kinh tế sáng tạo của Indonesia, cho rằng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới sẽ vẫn tiếp tục dựa vào FDI, đây vẫn là kênh cơ hội để Việt Nam có khả năng hấp thụ công nghệ tiến bộ từ các doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng rõ ràng, để hấp thụ những lợi ích từ FDI thì các doanh nghiệp nội địa phải có chất lượng cao hơn nữa.

Trong khi đó, ông K. Yogeevaran, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp trồng trọt và Hàng hóa Malaysia, cho biết mặc dù Malaysia cũng đã tiếp nhận nhiều FDI, nhưng có giai đoạn phần lớn FDI cũng chỉ đầu tư vào công nghệ thấp, vào các ngành thâm dụng lao động. Tình hình này cũng đã và đang diễn ra ở Việt Nam. Vấn đề của hai nước đều cần giải quyết vẫn là câu chuyện “tăng năng suất”.

“Để trở thành quốc gia có thu nhập cao, chúng tôi [Malaysia] xác định, phải tăng cường vào vốn con người; chuyển đổi sang các ngành phức hợp và giá trị cao trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ cho chế tạo và chế biến; giải quyết chênh lệch thu nhập và bất cân đối vùng miền để phát triển bao trùm; tăng cường bền vững môi trường qua tăng trưởng xanh; cải cách thể chế và quản trị nhà nước; nâng cao năng suất ở cả 3 cấp độ can thiệp là quốc gia, ngành và doanh nghiệp; và đổi mới sáng tạo để hướng tới thịnh vượng,” ông K. Yogeevaran chia sẻ.

Ông cũng thừa nhận một sai lầm mà Malaysia từng mắc phải là chỉ tập trung vào giáo dục đại học, mà lơ là đào tạo nghề. Có tới 48% nhân lực nước này là lao động có kỹ năng [đại học], trong khi nhu cầu của thị trường chỉ là 5%. Điều này cũng dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ tương đối cao, do đối tượng này thường được đào tạo bài bản ở bậc đại học. Đây cũng chính là vấn đề mà Việt Nam đang gặp phải.

Chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc, GS. Sungchul Chung, Đại học Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (UST) cho biết từ những năm 1970, nhận thấy tăng trưởng theo chiều hướng đi xuống, quốc gia này đã quyết định chuyển hướng tăng trưởng dựa vào công nghệ thông tin, vì “đây là ngành tận dụng được tri thức và không tốn nhiều lao động”. Mặc dù vậy, chất lượng nguồn nhân lực lại là chìa khóa để hiện thực hóa nền kinh tế này, nhu cầu lúc đó là “lực lượng lao động tri thức” chứ không phải “lực lượng lao động công nghiệp”.

Tiến lên trên chuỗi giá trị toàn cầu

Bà Pinelopi Koujianou Goldberg, Chuyên gia kinh tế trưởng, Nhóm Ngân hàng Thế giới, nhận xét rằng Việt Nam đang tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cả trong công đoạn trước và sau, nhưng mới ở mức hạn chế.

Mặc dù thu hút được lượng lớn FDI và tham gia nhiều Hiệp định FTA quy mô lớn, dẫn đến việc một số tập đoàn lớn như Samsung, LG, Fujitsu, Aeon, Nestle, Nike, Intel,… lựa chọn Việt Nam là một phần trong dòng chảy cung ứng của mình nhưng giá trị gia tăng cho đất nước vẫn luôn ở dưới tiềm năng.

Trao đổi tại diễn đàn VRDF 2019 | Ảnh: BTC
Trao đổi tại diễn đàn VRDF 2019 | Ảnh: BTC

Theo thống kê, chỉ 21% doanh nghiệp Việt Nam tham gia liên kết với chuỗi cung ứng nước ngoài, thấp hơn tỷ lệ của Thái Lan là 30%, Malaysia là 46%. Tỷ lệ nội địa hóa bình quân của Việt Nam mới đạt 33%, nên mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp, nên mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp, doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới thu được “tiền lẻ” khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.

Bà Goldberg khuyến nghị, Việt Nam cần ưu tiên tăng tỷ trọng giá trị nội điạ. Để chuyển sang sản xuất công nghiệp và dịch vụ tiên tiến trong chuỗi giá trị toàn cầu, mức độ mở cửa thương mại của nền kinh tế và kỹ năng người lao động là nhân tố quyết định. Bên cạnh đó, chống lại sự cám dỗ của các chính sách bảo hộ, tham gia sâu vào các hiệp định thương mại sẽ làm tăng trưởng chuỗi giá trị toàn cầu.

Đầu tư cho startup là một lựa chọn tốt

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển nhanh của các quốc gia trên thế giới, bà Thạch Lê Anh, Nhà sáng lập Vietnam Silicon Valley cho rằng, đầu tư mạo hiểm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) là một trong những động lực lớn thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo.

Theo bà, "Chính phủ nên đầu tư vào start-up, nhưng không đầu tư trực tiếp mà thông qua các quỹ tư nhân". Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực về start-up với khá nhiều doanh nghiệp tiềm năng, nhưng số tiền thực sự vào Việt Nam chỉ chiếm 1%, không ít doanh nghiệp Việt đăng kí và nhận vốn từ Singapore.

Tại Mỹ, tổng đầu tư mạo hiểm cho start-up năm 2016 là 69,1 tỷ USD, tương đương 0,37% GDP. Tuy nhiên, các doanh nghiệp được đầu tư bởi quỹ đầu tư mạo hiểm tạo ra 11% việc làm ở khu vực tư nhân và đóng góp 21% GDP của Mỹ. Ở Việt Nam, câu chuyện đầu tư mạo hiểm còn khá rụt rè vì lo ngại rủi ro.

Gợi ý đưa ra là Chính phủ thay vì nâng ngân sách thông qua thu thuế thì nên có các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp, từ đó không chỉ tạo ra cơ hội tăng ngân sách mà còn là "vốn mồi" thu hút tư nhân đầu tư.

Bà Thạch Lê Anh cũng chia sẻ, các nhà đầu tư nước ngoài cho biết nếu Việt Nam có 30% vốn đầu tư từ Chính phủ thì họ có thể huy động thêm 70% đầu tư từ khối tư nhân vào cùng. Điều này sẽ kích thích sự phát triển của thị trường đầu tư mạo hiểm trong nước đủ mạnh. Bà cho rằng, chính phủ nên xây dựng “Luật Đầu tư mạo hiểm để bao phủ hết mọi vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm”.

Thông điệp nâng cao “quốc lực” từ Thủ tướng

Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các ý kiến đóng góp. Ông đồng tình với nhiều nhận định của các chuyên gia quốc tế về những tồn tại, hạn chế và rủi ro tiềm ẩn của nền kinh tế như: khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài của Việt Nam còn yếu; năng lực tiếp cận nền kinh tế số còn nhiều hạn chế, tốc độ tăng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu còn cao….

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn VRDF 2019 | Ảnh: BTC
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn VRDF 2019 | Ảnh: BTC

Trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều biến động, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam phải nỗ lực nâng cao “quốc lực” thông qua việc thực hiện tốt hơn 3 đột phá chiến lược đã đặt ra về (i) hoàn thiện thể chế, (ii) phát triển hạ tầng và (iii) phát huy nguồn nhân lực.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương lắng nghe những góp ý từ Diễn đàn để tìm ra các cách làm phù hợp cho Việt Nam, đóng góp trực tiếp cho việc hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Ngày 18/9, trước thềm VRDF 2019, trong buổi “Tọa đàm thảo luận sâu với tổ biên tập Tiểu ban kinh tế - xã hội với chuyên gia quốc tế”, 12 vị diễn giả chính đến từ nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã đưa ra những phân tích chuyên sâu hơn, nhưng tựu trung cho rằng: Với Việt Nam, kinh tế tư nhân nội địa phải là xương sống của nền kinh tế. Việt Nam phải tăng năng suất, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhưng việc tăng năng suất phải đồng thời diễn ra ở cả 3 cấp độ: quốc gia-ngành-doanh nghiệp. Nhà nước cần sự minh bạch và có hiệu quả hơn. Và đầu tư tốt nhất [cho hơn 10 năm tới] là đầu tư cho con người.

Theo Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, đất nước xác định hướng quan trọng về thể chế là: Hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Xây dựng, hoàn thiện, thử nghiệm khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường theo nguyên tắc thị trường.

Quan tâm đầu tư đúng mức cho nghiên cứu khoa học cơ bản; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ số; tập trung xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh, tạo nền tảng để tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển; hình thành và phát triển hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, lấy doanh nghiệp là trung tâm nghiên cứu - phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

Tập trung phát triển công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng cao, nhất là công nghệ số, thông tin, sinh học, trí tuệ nhân tạo, cơ điện tử, tự động hóa, điện tử y sinh, năng lượng, môi trường. Ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ, đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực, thế giới. Khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân được phát huy các năng lực, tự do sáng tạo trong đời sống kinh tế, xã hội.