“Quỹ Hỗ trợ phát triển và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ vũ trụ” đang được gấp rút hoàn thiện về cơ sở pháp lý để có thể đi vào hoạt động trong năm 2017, tạo điều kiện hỗ trợ các nhà khoa học trẻ theo đuổi đam mê với công nghệ vũ trụ.

Đó là chia sẻ của Phó Giáo sư - tiến sỹ (PGS-TS) Phạm Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Vệ tinh quốc gia. Ông Tuấn cũng cho biết, từ ngày 17/7/2017, trung tâm này sẽ chính thức đổi tên thành Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.

Từ ngày 17/7/2017,Trung tâm Vệ tinh quốc giasẽ chính thức đổi tên thành
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.

Cho rằng việc lập nguồn kinh phí để hỗ trợ các nhà khoa học trẻ đam mê công nghệ vũ trụ là hết sức cần thiết, GS-VS Nguyễn Văn Hiệu bày tỏ sự đồng tình ủng hộ cao và nhất trí trở thành nhà đồng sáng lập, đồng hành với quỹ này. Theo ông, tuy Nhà nước sẵn sàng đầu tư máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất nhưng để phát triển công nghệ vũ trụ ở Việt Nam, cần có sự chung tay của các nguồn lực xã hội, góp phần bảo đảm cuộc sống cho các nhà khoa học trẻ có điều kiện theo đuổi lĩnh vực này.

Cùng với việc xúc tiến hình thành quỹ, ông Tuấn cho biết, vào tháng 8/2017 tới, Đài thiên văn Nha Trang sẽ đi vào hoạt động, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản về vật lý thiên văn quang học và phổ biến kiến thức vũ trụ cho cộng đồng; hỗ trợ đào tạo, giảng dạy và nâng cao chất lượng nhân lực trong lĩnh vực vật lý thiên văn và vũ trụ; hợp tác nghiên cứu với các nhóm nghiên cứu trong cùng lĩnh vực ở trong nước và nước ngoài...

Dự án Bảo tàng Vũ trụ ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) cũng đang được gấp rút xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2018. Đây sẽ là nơi giới thiệu trực quan sinh động về lịch sử vũ trụ, khoa học vũ trụ của thế giới và Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về vũ trụ và vai trò của vũ trụ đối với cuộc sống con người.