Các nhà khoa học phát hiện một ngoại hành tinh kỳ lạ mang tên KELT-9b với nhiệt độ bề mặt lên tới 4.327 độ C, nóng hơn nhiều ngôi sao trong vũ trụ.

KELT-9b là hành tinh nóng nhất mà con người biết đến. Ảnh: NASA

Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, khí quyển của KELT-9b chứa các kim loại nặng như sắt (Fe) và titan (Ti). Chúng đều ở dạng khí, bị bay hơi do tác động của nhiệt độ cực cao. Sắt là kim loại chuyển tiếp nằm ở trung tâm của bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Tuy nhiên, sắt chưa bao giờ được phát hiện trong khí quyển của một ngoại hành tinh bởi vì nó có nhiệt độ nóng chảy lớn, đòi hỏi nhiệt độ rất cao để chuyển sang dạng khí.

Ngoại hành tinh KELT-9b nằm cách Trái đất khoảng 650 năm ánh sáng, thuộc về một lớp hành tinh gọi là “sao Mộc nóng”. Đây là các ngoại hành tinh lớn bằng sao Mộc nhưng có quỹ đạo rất gần ngôi sao chủ. KELT-9b hoàn thành quỹ đạo quanh ngôi sao chủ chỉ mất 36 tiếng, do khoảng cách của nó tới ngôi sao gần hơn 30 lần khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trời.