Đề xuất làm sạch biển miền Trung sau sự cố cá chết hàng loạt bằng công nghệ xử lý bùn biển được TS Lê Văn Cát - Viện Hóa học - cho là không nên áp dụng, bởi theo ông, việc can thiệp bằng công nghệ không khả thi; chỉ nên theo dõi quá trình biển tự phục hồi.

Tắm thì được, ăn cá thì... chưa nói

Hàm lượng các chất ô nhiễm đều giảm rất nhanh. Từ tháng 4 đến tháng 8, có nơi giảm đến 90% hàm lượng phenol và xyanua (hai độc tố gây sự cố cá chết). Hệ sinh thái san hô từ chỗ bị hủy diệt hoàn toàn nay đã bắt đầu xuất hiện san hô sống; cá con đã trở về. GS-TS Mai Trọng Nhuận - thành viên nhóm chuyên gia nghiên cứu hiện trạng môi trường biển tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế - cho biết.

Kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố ngày 22/8 cho thấy, biển miền Trung đang phục hồi. Theo kết quả phân tích 1.080 mẫu (tháng 5), 331 mẫu (tháng 6) và 68 mẫu kiểm chứng (tháng 8) và so sánh đối chiếu với quy chuẩn Việt Nam, các thông số lý - hóa, dinh dưỡng, kim loại nặng cơ bản đều trong giới hạn cho phép, đảm bảo an toàn với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản.

Lớp màng nhầy chứa độc tố bao phủ cá và rặng san hô dưới đáy biển. Ảnh chụp tháng 4/2016. Ảnh: Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam
Lớp màng nhầy chứa độc tố bao phủ cá và rặng san hô dưới đáy biển. Ảnh chụp tháng 4/2016.
Ảnh: Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam

Tuy nhiên, tại 3 khu vực cách bờ 1,5km gồm khu vực Sơn Dương - Hà Tĩnh (rộng khoảng 300km2), cửa Nhật Lệ - Quảng Bình (khoảng 330km2), hòn Sơn Chà - Thừa Thiên - Huế (khoảng 160km2), do chịu tác động của dòng xoáy cục bộ nên một số thông số môi trường cao hơn các khu vực khác, nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép, cần tiếp tục được giám sát và quan trắc thường xuyên.

Theo GS-TS Mai Trọng Nhuận, tuy hàm lượng phenol và xyanua giảm đến mức an toàn, các thông số khác đều giảm theo thời gian, vẫn cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá mới khẳng định được chính xác thời điểm biển khôi phục như xưa.

TS Friedhelm Schroeder - thành viên nhóm nghiên cứu - cho biết kết quả quan trắc cho thấy cyanua qua thời gian đã sạch; phenol vẫn còn nhưng có chiều hướng giảm dần và nằm trong ngưỡng cho phép. Ngoài ra, còn một số hố, bẫy thủy lực cần giám sát thêm để theo dõi thông số phenol chìm sâu dưới đáy thay đổi thế nào.

“Tóm lại, các thông số đảm bảo cho hoạt động bơi lội, du lịch đã an toàn tuyệt đối” - TS Friedhelm Schroeder khẳng định. Dù cá nhỏ đã quay trở lại vùng biển 4 tỉnh miền Trung, nhưng khi được hỏi người dân đã có thể ăn hải sản đánh bắt ở khu vực này hay chưa, TS Friedhelm Schroeder cho rằng Bộ Y tế cần giám sát kỹ trước khi đưa ra những khuyến cáo cụ thể.

Có nên dùng công nghệ làm sạch?

Theo GS Nhuận, trong giai đoạn nghiên cứu tiếp theo, các nhà khoa học sẽ đề xuất phương án làm sạch biển bằng công nghệ bên cạnh khả năng tự làm sạch của biển. Nhắc tới các kinh nghiệm quốc tế, GS Nhuận cho rằng có thể nghiên cứu áp dụng hệ thống công nghệ xử lý bùn biển của Nhật Bản.

Đây là công nghệ hút bùn nhưng không phát tán độc tố, không hủy diệt hệ sinh thái. Bùn hút lên sẽ được xử lý sạch độc tố, đảm bảo hết ô nhiễm rồi đưa trở lại đáy biển. Điều ông băn khoăn là chi phí rất lớn (khoảng 500USD/m3).

Tuy nhiên, TS Lê Văn Cát - Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam - cho rằng không cần áp dụng công nghệ làm sạch biển vì điều đó không thể thực hiện được.

“Công nghệ làm sạch biển nếu hiểu theo nghĩa áp dụng các biện pháp giúp loại bỏ hết yếu tố gây hại cho cá thì hiện nay không có. Đơn cử, việc hút bùn quanh đáy biển để làm sạch là không khả thi. Theo tôi, bây giờ chỉ nên quan sát xem biển tự hồi phục đến mức độ nào - vì biển có khả năng tự làm sạch, từ đó công bố khi nào có thể ăn cá, tôm, sò hến… Tức là nên theo dõi và đánh giá chứ không áp dụng các biện pháp cưỡng bức - dùng công nghệ can thiệp” - TS Cát nói.

Nói rõ hơn lý do không thể áp dụng công nghệ xử lý bùn biển của Nhật Bản tại Việt Nam, TS Cát cho biết các chất bẩn gây hại có tính chất, đặc điểm khác nhau. Ở Nhật Bản, các chất gây bẩn là kim loại nặng đọng dưới đáy biển. Còn độc tố ở biển miền Trung hiện nay là chất rắn trôi tạo thành lớp cực mỏng trải trên đoạn dài hàng trăm cây số.

“Từ khi phát hiện đến nay đã qua 4 tháng nên các lớp chất độc ấy mỗi ngày một mỏng đi do bị sóng đánh. Độc tố bám trên chất rắn cũng bị phân hủy dần mỗi ngày nên mắt thường không thể nhìn thấy lớp lắng này nữa, nếu có thì độc tố bám trên chất rắn cũng không còn mấy nữa. Vì thế, việc dùng công nghệ hút là không cần” – TS Cát phân tích.