Quyền tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) được quy định tùy theo từng loại hình và khuyến khích để các tổ chức KH&CN phấn đấu có được nhiều quyền tự chủ hơn.

Đây là thông tin được ông Đinh Việt Bách – Trưởng phòng Tổ chức - Biên chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KH&CN cho biết tại Hội thảo Hướng dẫn triển khai Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập (gọi tắt là Nghị định 54) và các thông tư hướng dẫn được Bộ KH&CN tổ chức ngày 22/11 tại TPHCM.

Nghị định 54 quy định quyền tự chủ của tổ chức KH&CN công lập bao gồm quyền tự chủ về tài chính, thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự, quản lý và sử dụng tài sản. Các tổ chức KH&CN sẽ được phân thành bốn loại theo mức độ tự bảo đảm về chi thường xuyên và chi đầu tư. Đó là tổ chức KH&CN tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (loại 1); Tổ chức KH&CN tự bảo đảm chi thường xuyên (loại 2); Tổ chức KH&CN tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (loại 3); Tổ chức KH&CN do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (loại 4).

Ông Đinh
Ông Đinh Việt Bách (phải) giải đáp một số thông tin về Nghị định 54

Cụ thể, đối với loại hình 1, 2 được nhiều quyền tự chủ như quyết định nhân sự làm việc, được quyết định thành lập, tổ chức, giải thể các đơn vị mới; được cơ quan có thẩm quyền xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp; chủ động sử dụng các nguồn tài chính giao tự chủ;...

Đối với các loại hình 3, 4 thì hạn chế hơn các quyền tự chủ như các loại hình 1, 2. Về nhân sự, hai loại hình này phải xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, loại hình thứ 4 không được sử dụng tài sản nhà nước để cho thuê hoặc thực hiện hoạt động kinh doanh khác,...

"Việc quy định định khác nhau này, nhằm khuyến khích các tổ chức KH&CN phấn đấu từ loại 3, 4 trở thành loại 1,2 để có được nhiều quyền tự chủ hơn" – ông Bách nhấn mạnh.

Để thực hiện Nghị định 54 và Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, năm 2017 Bộ Tài chính đã ban hành hai thông tư: 01/2017/TT-BTC Quy định chi tiết một số điều của Nghị định 54 và Thông tư 90/2017/TT-BTC Quy định việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với tổ chức KH&CN công lập.


Ông Đinh Việt Bách cho biết, các đơn vị công lập muốn xác định được đơn vị mình thuộc tổ chức KH&CN công lập nào thì căn cứ vào dự toán thu, chi và kết quả thực hiện thu, chi của các năm liền kề. Cách xác định mức độ tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên (%) được tính bằng Tổng các nguồn thu sự nghiệp/Tổng số chi thường xuyên x 100%. Nếu con số này lớn hơn 100% được xếp vào loại 1, bằng hoặc lớn hơn 100% được xếp vào loại 2, từ trên 10% đến dưới 100% là loại 3 và dưới 10% là loại 4.

Điểm mới và linh hoạt cho các tổ chức KH&CN công lập của Thông tư 90 là cho phép: Các tổ chức KH&CN công lập báo cáo, đánh giá tình hình thực hiện cơ chế tự chủ trong 3 năm và đề xuất phương án tự chủ trong 3 năm tiếp theo để cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Trong 3 năm đó, nếu tổ chức nào có thay đổi về về chức năng, nhiệm vụ hoặc có biến động về nguồn thu làm thay đổi mức độ tự bảo đảm kinh phí hoạt động của các tổ chức KH&CN thì có có để xây dựng lại phương án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt lại cho phù hợp với thực tiễn.

Tại Hội thảo, một số vấn đề còn vướng mắc, được các đại biểu tập trung thảo luận như tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ; hướng dẫn quyết toán cuối năm; cách tính khấu hao tài sản; chính sách về thuế, cách chi tiền lương, cách xây dựng lại phương án theo Nghị định 54;… Một số thắc mắc của đại biểu đã được ông Bách giải thích, hướng dẫn cụ thể.

Ông Phạm Xuân Đà – Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN cho rằng, việc triển khai Nghị định 54 vào thực tiễn sẽ gặp phải những khó khăn, vướng mắc.

"Các tổ chức KH&CN công lập cần có những kiến nghị bằng văn bản gửi về Bộ KH&CN để Bộ tổng hợp và trình Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó" – ông Đà đề nghị.