Chính sách đặc thù đối với Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc đang được Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc (BQL) xây dựng và hoàn thiện nhằm tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.

Rà soát thực tiễn, xây dựng chính sách đặc thù

Thành lập năm 1998, Khu CNC Hoà Lạc là khu CNC đầu tiên của Việt Nam với mục tiêu tạo tiềm lực và động lực thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc gia. Đến nay, Khu CNC thực sự vẫn là một mô hình mới tại Việt Nam, nên các cơ chế, chính sách về tổ chức và hoạt động chưa hoàn thiện cũng như chưa theo kịp tình hình thực tế.
Theo yêu cầu, năm 2018 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, Khu CNC Hòa Lạc sẽ có diện mạo mới, điều kiện mới để phát triển vượt bậc so với trước đây, phát triển theo đúng nghĩa là một khu đô thị thông minh chuyên về nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN.

Ông Phạm Đại Dương - Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng BQL - cho biết: Để Khu CNC Hòa Lạc đạt được kết quả như kỳ vọng, ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư thì môi trường đầu tư thuận lợi với những cơ chế chính sách ưu đãi, đặc thù rất quan trọng và là điều kiện tiên quyết để thu hút đầu tư.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ KH&CN rà soát chính sách hiện hành, đề xuất với Đảng và Chính phủ ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút mạnh mẽ hơn nữa hoạt động đầu tư, nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà khoa học để Khu CNC Hòa Lạc có thể phát triển nhanh và bền vững, đúng với mục tiêu ban đầu đề ra là thu hút đầu tư, phát triển, chuyển giao KH&CN, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, đào tạo nguồn nhân lực cho khoa học.

Theo đó, cơ chế, chính sách đặc thù được xây dựng dựa trên 3 nguyên tắc quan trọng: Xác định rõ các nguồn lực và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác xây dựng và phát triển Khu CNC Hòa Lạc; phát huy sự chủ động và trách nhiệm của BQL trong tất cả các lĩnh vực, giảm tối đa chi phí đầu tư cho nhà đầu tư qua các chính sách ưu đãi đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp…

Hiện dự thảo các cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hòa Lạc đang được xây dựng và hoàn thiện, bao gồm 6 mục và 34 điều. Trong đó về đầu tư, xây dựng và phát triển Khu CNC Hòa Lạc sẽ làm rõ về nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc xây dựng, phát triển, quản lý và khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật; đề xuất mục tiêu kế hoạch phải hoàn thành đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật vào năm 2020 để có thể đưa Khu CNC chuyển sang một giai đoạn phát triển mới - giai đoạn đầu tư chiều sâu và đầu tư cho KH&CN. Dự thảo cũng đề nghị bổ sung và cụ thể hoá một số thẩm quyền của BQL để có căn cứ triển khai thực hiện trách nhiệm của mình trong công tác quản lý đất đai đối với Khu CNC Hoà Lạc.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh (thứ 2 từ trái sang) tham quan dây chuyền công nghệ sản xuất pin mặt trời tại Hoà Lạc. Ảnh: Anh Tuấn
Thứ trưởng Trần Việt Thanh (thứ 2 từ trái sang) tham quan dây chuyền công nghệ sản xuất pin mặt trời tại Hoà Lạc. Ảnh: Anh Tuấn

Đơn giản hóa thủ tục, ưu đãi thuế đất

Trong chính sách được xây dựng để ưu đãi và thu hút đầu tư sẽ có các ưu đãi về đất đai và tiền bồi thường giải phóng mặt bằng được đề xuất trên nguyên tắc đảm bảo ưu đãi ở mức cao nhất cho các đối tượng sử dụng đất.

Sẽ quy định lại một cách hệ thống các ưu đãi thuế cơ bản, chi tiết các ưu đãi, bổ sung các ưu đãi mới, tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan áp dụng ưu đãi và giải quyết chính sách ưu đãi với các tổ chức, cá nhân hoạt động đầu tư tại đây.

Dự thảo cũng đề xuất việc áp dụng chính sách ưu đãi thuế đối với một số nhà đầu tư đã hoạt động nhưng chưa được hưởng ưu đãi thuế; các chính sách ưu đãi mua, thuê, thuê mua nhà ở đối với các chuyên gia, người lao động tại Khu CNC được mua với giá ưu đãi hơn.

Ông Phạm Đại Dương nhấn mạnh: Khu CNC đang bắt đầu chiến lược thu hút đầu tư, nhưng không vì mục đích lấp đầy mà lựa chọn các nhà đầu tư không đúng yêu cầu. Khu CNC có những điều kiện đặc thù riêng nên doanh nghiệp vào Khu CNC phải đáp ứng các tiêu chí nhất định.

Theo đó, Bộ KH&CN sẽ ban hành các tiêu chí thu hút đầu tư vào các khu chức năng để đảm bảo các dự án đầu tư tại đây có hàm lượng KH&CN cao, sử dụng đất hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường. Dự kiến văn phòng “một cửa” cũng sẽ được thành lập tại BQL để phát huy vai trò, sự chủ động và trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước; đồng thời cũng đề nghị Thủ tướng giao các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc uỷ quyền ở mức tối đa cho BQL trong việc thực hiện các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư tại Khu CNC và lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn khi cần thiết.

Hiện dự thảo về cơ chế, chính sách đặc thù đang được lấy ý kiến góp ý của các cá nhân, tổ chức, các bộ, ngành, địa phương liên quan để trên cơ sở đó, BQL hoàn thiện và dự kiến trình Thủ tướng ban hành cuối quý IV năm 2015.

Theo quy hoạch, Khu CNC Hòa Lạc có diện tích 1.586ha với các khu chức năng: Giáo dục và đào tạo, nghiên cứu - triển khai, phần mềm, công nghiệp công nghệ cao và các dịch vụ hỗ trợ khác. Hiện Khu CNC Hòa Lạc là thành viên chính thức của Hiệp hội các Khu khoa học châu Á (ASPA) và Hiệp hội các Khu công nghệ cao thế giới (IASP).