Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ông Phạm Minh Chính, cho rằng “Người có trình độ cao đi ra khỏi nhà nước không phải là điều đáng lo ngại, đáng lo phải là khi không có người Việt Nam giỏi.”

Đối thoại chính sách cấp cao tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 ngày 17/1
Đối thoại chính sách cấp cao tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 ngày 17/1

Nguồn nhân lực được coi là một trong những yếu tố nền tảng tạo động lực cho tăng trưởng, trong đó cán bộ khu vực công được coi là một trong những nhân tố quan trọng quyết định kết quả của cải cách và đổi mới, từ đó góp phần dẫn đến thành công của nền kinh tế.

Thế nhưng thực tế là nhiều cán bộ xuất sắc của nhà nước đang có xu hướng rời khỏi khu vực công. Không ít nhận định gọi hiện tượng chảy máu chất xám khu vực công này là một vấn đề hết sức nhức nhối gây khó khăn cho kinh tế Việt Nam. Vấn đề này được đặt ra trong phiên Đối thoại chính sách cấp cao của “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019” ngày 17/1 tại Hà Nội.

Tuy nhiên, từ góc độ của Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ông Phạm Minh Chính cho rằng “Người có trình độ cao đi ra khỏi nhà nước không phải là điều đáng lo ngại, đáng lo phải là khi không có người Việt Nam giỏi.”

Theo ông Chính, hiện nay việc nhân lực dịch chuyển từ khu vực tư sang khu vực công và ngược lại là điều rất bình thường. Quan điểm rõ ràng của Đảng và Nhà nước là lấy con người làm trung tâm, thể hiện bằng các mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.

“Chúng ta tôn trọng yếu tố con người,” – ông Chính khẳng định, “Không chỉ tạo ra sản phẩm nhân lực tốt và môi trường lao động tốt, mà còn tôn trọng sự lựa chọn của mỗi cá nhân”. Nhân lực có thể làm việc trong nước hay tại nước ngoài, khu vực công hay khu vực tư, bất kỳ chỗ nào họ mong muốn và có khả năng phát huy tốt nhất năng lực sở trường của mình.

Bởi vậy ông cho rằng trên quan điểm như thế, không nên coi vấn đề dịch chuyển nhân lực chất lượng cao từ khu vực công sang khu vực tư là một vấn đề quá bi quan, lo lắng. Ông tin tưởng rằng khi đất nước tạo ra được những con người Việt Nam tốt thì chính những con người đó sẽ biết cách trang trải và cống hiến cho nơi chắp cánh và vun đắp nên giá trị của họ.

Hiện nay, để phát triển bền vững nguồn nhân lực, nhà nước đã có những chủ trương, chính sách về tạo lợi ích vật chất và tinh thần cho công nhân viên chức. Điển hình là các chính sách đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu, ứng cử bằng cơ chế công khai, dân chủ; thi tuyển ở các tỉnh, cơ quan, địa phương; cũng như các chế độ về nhà ở và lộ trình cải cách tiền lương đến năm 2021.