Hội nghị giao ban KH&CN vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 24 được tổ chức tại An Giang ngày 21/10 là dịp để 13 tỉnh, thành trong vùng điểm lại những kết quả hoạt động KH&CN cũng như vướng mắc cần tháo gỡ để KH&CN đóng góp hiệu quả nhất vào phát triển kinh tế.

Hàm lượng KH&CN cao trong sản phẩm xuất khẩu

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, ĐBSCL là vùng đưa nhanh các tiến bộ KH&CN vào sản xuất các sản phẩm chủ lực theo hướng tái cơ cấu nông nghiệp trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng. Điển hình là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, sản xuất cây ăn trái, lúa gạo chất lượng cao, nhiều mô hình phát triển kinh tế mới đã bước đầu hình thành...

“Đây là những vấn đề thu hút đầu tư của KH&CN, khẳng định được vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng địa phương, góp phần đưa KH&CN của vùng sánh vai với các vùng phát triển của đất nước và từng bước hội nhập quốc tế” - Thứ trưởng Thanh khẳng định.

Thu hoạch tôm ở Bạc Liêu. Ảnh: Hoàng Vũ

Mặc- dù diện tích canh tác nông nghiệp và thủy sản chiếm chưa tới 30% cả nước, nhưng ĐBSCL chiếm hơn 50% diện tích lúa, 71% diện tích nuôi trồng thủy sản, 30% giá trị sản xuất nông nghiệp và 54% sản lượng thủy sản của cả nước. Nhờ vậy, đây là nơi xuất khẩu gạo, thủy sản và trái cây chủ lực của Việt Nam (chiếm hơn 50% về giá trị và sản lượng).

Đưa nhanh tiến bộ KH&CN vào sản xuất

Theo TS Nguyễn Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN - một điều dễ thấy với các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản… là nếu chỉ sản xuất đơn thuần sẽ cho giá trị gia tăng rất thấp, nhưng khi KH&CN vào cuộc sẽ mang lại sự khác biệt.

Minh chứng cho điều đó là đề tài nghiên cứu chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt tại Bến Tre; nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến chọn tạo giống lúa thuần chống chịu mặn - hạn thích nghi với điều kiện canh tác lúa vùng nhiễm mặn thuộc ĐBSCL; nghiên cứu hoàn thiện thiết kế và chế tạo hệ thống sấy lúa vỉ ngang năng suất 150 tấn/mẻ tại An Giang; nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất phân vô cơ đa thành phần bằng công nghệ sử dụng khí nóng tạo hạt tại Vĩnh Long, nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh tại Bạc Liêu… Những công trình này đã đóng góp hiệu quả cho việc phát triển kinh tế ĐBSCL.

“Các lĩnh vực khoa học y dược, nông nghiệp, công nghiệp, quản lý nhà nước (sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng…) vùng ĐBSCL thời gian qua đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Các nhiệm vụ KH&CN đã bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, có địa chỉ ứng dụng cụ thể, thậm chí thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Vùng đã bước đầu xác định các sản phẩm ưu tiên, mũi nhọn, có tiềm năng để đầu tư nghiên cứu. Hoạt động nghiên cứu - triển khai đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng các ngành kinh tế của các địa phương, có tác động to lớn trong việc phát triển các ngành sản xuất, đạt được nhiều thành tựu trên một số lĩnh vực như: Nông (lúa gạo, cây ăn quả, thủy sản), công nghiệp, dịch vụ, y tế...” - TS Hà nhấn mạnh.

“Trong giai đoạn tới, ĐBSCL cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm công nghệ có chất lượng cao. Cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm cho việc đổi mới, chuyển giao công nghệ, nhằm tạo dựng cơ chế liên kết hợp tác ba bên (các viện nghiên cứu, trường đại học - doanh nghiệp - cơ quan quản lý nhà nước); Nhà nước đóng vai trò cầu nối trong mối liên hệ giữa doanh nghiệp và các trường, viện.

Ngoài ra, cần hoàn chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ nhập khẩu, giải mã công nghệ phục vụ nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của vùng; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước”.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh