Nghỉ hưu ở tuổi 55, nhiều nhà khoa học nữ có kinh nghiệm, chuyên môn tốt cảm thấy hụt hẫng vì không được theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu khoa học.


Thực tế đã chứng minh, nhiều công trình nghiên cứu khoa học mới mẻ, có tính phát hiện và ứng dụng hiệu quả trong cuộc sống đều có sự đóng góp rất quan trọng của các nhà khoa học nữ. Thế nhưng, đến khi tri thức, trải nghiệm đã có đủ và có thể dành nhiều thời gian cho việc theo đuổi, phát triển nghiên cứu khoa học thì họ lại đến lúc nghỉ hưu. Điều này đã cản trở các nhà khoa học nữ tiếp tục cống hiến, theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu khoa học.

Là nhà khoa học từng đoạt giải thưởng Kovalevskaia và có nhiều công trình nghiên cứu đoạt giải cấp Nhà nước, PGS.TS Nguyễn Thị Bình, Nguyên trưởng bộ môn Mô-Phôi (ĐH Y Hà Nội) chia sẻ những rào cản theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu khoa học đối với nữ giới và những bất cập trong phát triển khoa học hiện nay.

khi nha khoa hoc nu nghi huu, ho mong muon gi? hinh 0
PGS.TS Nguyễn Thị Bình

PV: Nhiều nhà khoa học nữ đều có trăn trở, suy tư là họ không thể tiếp tục theo đuổi hay phát huy sự cống hiến trong nghiên cứu khoa học khi đã nghỉ hưu. Là người từng đoạt giải thưởng Kovalevskaia, ý kiến của bà như thế nào về vấn đề này?

Bà Nguyễn Thị Bình: Sau một thời gian dài làm việc và cống hiến cho đất nước, theo qui định của Nhà nước, việc nghỉ hưu đối với mọi nhân viên làm việc tại các cơ quan Nhà nước là chuyện hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, với các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học nữ được nghỉ hưu ở tuổi 55, theo tôi là hơi sớm.

Những cán bộ nữ giảng dạy ở trường đại học thường nói với nhau là ở tuổi này có thể tập trung nhiều nhất cho công việc nói chung và nghiên cứu khoa học nói riêng. Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm, mối quan hệ trong công việc, ít vướng bận công việc gia đình, vẫn đủ sức khỏe và trí tuệ để làm việc. Có những nhà khoa học nữ, sau khi nghỉ cũng đã xây dựng cho mình một cơ sở để tiếp tục sự nghiệp.

Tuy nhiên , với những người làm việc trong ngành Y như chúng tôi, để tiến hành nghiên cứu đòi hỏi phải có điều kiện và phương tiện rất phức tạp, rất khó để tự thực hiện. Cũng thật tiếc khi hoài bão, say mê nghiên cứu khoa học phải dừng lại.

PV: Trong nghiên cứu khoa học, bà đã từng kinh qua và trải nghiệm thực tế làm việc ở nhiều nước. Bà có thể so sánh công tác nghiên cứu khoa học ở Việt Nam với các nước khác như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Bình: Thực tế, tôi cũng chưa được làm việc ở nhiều nước. Nhưng tôi được biết , ở một số nước, các nhà khoa học được tạo điều kiện để theo đuổi ý tưởng khoa học mà không bị hạn chế về thời gian và tuổi tác. Ông thầy của tôi ở Liên xô, gần 80 tuổi vẫn đam mê với hướng nghiên cứu tái tạo.

Tuy nhiên, cái gì cũng có tính tích cực và tính hạn chế. Với bản thân, tôi rất ham mê nghiên cứu khoa học, nhưng tôi nghĩ cũng có lúc nên dừng lại. Vì vậy, đào tạo một đội ngũ kế cận trẻ là rất quan trọng. Hiện tại, các học trò của tôi đều là những người có năng lực nghiên cứu rất tốt.

PV: Hiện nay, nhiều công trình nghiên cứu khoa học bị bỏ lửng, đắp chiếu. Theo bà, vì sao lại như vậy và đề xuất của bà để khắc phục tình trạng này?

Bà Nguyễn Thị Bình: Trong nghiên cứu khoa học, việc các công trình sau khi nghiên cứu không được ứng dụng trong thực tế là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, để giảm thiểu điều này, các nhà khoa học và các nhà quản lý cần nắm bắt xu hướng phát triển khoa học trên thế giới, nhu cầu cấp thiết trong nước để tiến hành các đề tài vừa có tính cập nhật, vừa có tính cấp thiết đối với điều kiện ở Việt Nam. Mặt khác, trong việc cấp kinh phí để thực hiện các đề tài khoa học, rải rác ở nơi nào đó còn mang tính chất “xin- cho” nên có những đề tài sau khi hoàn thành ít có ứng dụng thực tiễn.

PV: Bên cạnh những công trình bị đắp chiếu, bỏ lửng thì nhiều công trình có ý nghĩa, thiết thực phục vụ đời sống xã hội lại không được phát triển, mở rộng hơn nữa. Bà có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Bà Nguyễn Thị Bình: Điều này cũng gặp nhiều trong thực tế. Có nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng theo tôi, có lẽ là do các cơ sở của chúng ta chưa xây dựng được định hướng, kế hoạch nghiên cứu dài lâu và kiên định tiến hành theo định hướng đã đề ra.

Định hướng nghiên cứu thường theo thiên hướng của người đứng đầu cơ sở nên khi có sự thay đổi người lãnh đạo cơ sở thì định hướng nghiên cứu cũng bị thay đổi và kết quả của những nghiên cứu trước không được sử dụng.

PV: Xin cảm ơn bà!/.