Nhiều công nghệ mới trong việc ứng phó với thiên tai ở Việt Nam đã được áp dụng như hệ thống giám sát cảnh báo thiên tai từ vệ tinh, hệ thống giám sát thiên tai bằng các máy đo tại chỗ được xử lý qua hệ thống IoT, big data...

Thông tin trên được đưa ra tại Diễn đàn "Khoa học và công nghệ phục vụ ứng phó thiên tai tại Việt Nam" do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức sáng 22/11 tại Hà Nội, nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khoa học, công nghệ trong công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai của Chính phủ.

Theo thống kê, Việt Nam là một trong 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong 20 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại vất chất khoảng 1 - 1,5% GDP (tương đương khoảng 3 tỷ USD/năm) và ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội. Dự báo trong những năm tới, Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều rủi ro thiên tai, thiệt hại dự báo khoảng 2,7% GDP và 39 triệu người sẽ bị ảnh hưởng.

Theo GS-TSKH Nguyễn Đình Công, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ứng phó với thiên tai là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và phải triển khai trên quy mô lớn, nên đòi hỏi sự nghiên cứu toàn diện một cách khoa học các điều kiện khách quan của Việt Nam và học hỏi vận dụng kinh nghiệm của thế giới.

Mô phỏng mây trong bão trên Biển Đông bằng mô hình WRF (ảnh do Viện Vật lý địa cầu cung cấp).

Trong những năm qua, nhiều đơn vị của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam như: Viện Vật lý địa cầu, Viện Địa lý, Viện Địa chất, Viện Hải Dương học, Viện Tài nguyên môi trường biển, Viện Công nghệ Vũ trụ... đã có nhiều kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Việc áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới như công nghệ thông tin, công nghệ vũ trụ... trong công tác dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai đã được Viện thực hiện thông qua các mô hình dự báo lũ, hạn, mặn, cảnh báo bão, trượt lở, lũ quét; hay hệ thống giám sát thiên tai bằng các máy đo tại chỗ được xử lý qua hệ thống IoT, big data để người dùng dễ dàng cập nhật với mục tiêu phòng tránh.

"So với các nước trong khu vực, trình độ khoa học - công nghệ của Việt Nam là tương đương trong việc dự báo thiên tai, thậm chí có những điểm chúng ta mạnh hơn" - TS Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lí địa cầu, cho biết.

Tuy nhiên, GS-VS Nguyễn Văn Hiệu nhấn mạnh rằng, cần có cái nhìn tổng thể và hành động mang tính chiến lược đối với hoạt động ứng phó thiên tai; trong đó việc cảnh báo, đặc biệt là cảnh báo sớm và chính xác khu vực, thời gian xảy ra thiên tai là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết. Có như vậy mới tránh được cách làm hiện nay là "chạy theo", chỉ khi đã xảy ra rồi mới bắt đầu công tác phòng, chống thì đã muộn. Nếu không cảnh báo sớm, công tác phòng chống thiên tai sẽ vô cùng khó khăn, đặc biệt là hậu quả về con người là không thể đo đếm được.

Để làm được việc đó, TS Nguyễn Xuân Anh cho rằng cần có mạng lưới quan trắc dày đặc hơn với những trạm quan trắc tăng cường, sử dụng những công nghệ mới như công nghệ viễn thám và cần phối hợp với các nước không chỉ trong khu vực. "Khi đó chúng ta sẽ có thêm nhiều kiến thức về biến đổi khí hậu, về từng loại hình thiên tai; trên cơ sở đó các nhà quản lí sẽ đưa ra mô hình cũng như cách phòng tránh hiệu quả hơn" - TS Xuân Anh nói.