Một doanh nghiệp xe máy điện trẻ của Hàn Quốc vừa ký thỏa thuận hợp tác với hai doanh nghiệp cơ khí Việt Nam để được cung cấp linh kiện, phụ kiện khi họ triển khai việc lắp ráp xe của mình tại đây.

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm không khí ngoài trời ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người, đặc biệt nồng độ bụi siêu nhỏ PM2.5 trong nhiều năm đang ở mức cao và không có dấu hiệu suy giảm. Giao thông, với phần lớn các phương tiện sử dụng động cơ xăng dầu, là nguồn gây ô nhiễm không khí chính, chiếm đến 60%-70%.

Trong bối cảnh đó, phát biểu tại hội thảo “Kết nối phát triển thị trường công nghệ về lĩnh vực xe máy điện công nghệ cao” do Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (NATEC) tổ chức ngày 12/12/2018, ông Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho rằng, “phát triển những phương tiện cá nhân như xe điện là một hướng đi rất tốt cho [việc giải quyết] vấn đề ô nhiễm này”.

Tại đây, ông Tạ Cao Minh, nguyên giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ứng dụng và Sáng tạo công nghệ (trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) cũng giới thiệu các công nghệ điều khiển động cơ ứng dụng cho xe máy điện, trong đó nhấn mạnh hai dạng: Động cơ BLDC dùng nam châm vĩnh cửu và Động cơ cảm ứng điện từ không dùng nam châm với những ưu nhược điểm khác nhau. Mặc dù loại đầu đang được dùng phổ biến trong các xe điện hiện nay nhưng loại thứ hai lại thân thiện với môi trường hơn, là hướng phát triển của thế giới và cũng là công nghệ mà Đại học Bách Khoa đang nghiên cứu. Ông Minh nhận định, xe điện, đặc biệt là xe máy điện, tại Việt Nam trong tương lai là xu thế tất yếu và bùng nổ, nên thị trường cho công nghệ này sẽ rất tiềm năng.

Khách mời đi thử sản phẩm xe máy điện của Zio Motors
Khách mời đi thử sản phẩm xe máy điện của Zio Motors

Hội thảo cũng đã tổ chức kết nối doanh nghiệp xe máy điện ZioMotors với các đối tác doanh nghiệp, viện, trường và hiệp hội trong nước. Đây là một doanh nghiệp trẻ đã có sản phẩm hoàn thiện tại Hàn Quốc và đang muốn xâm nhập vào thị trường xe máy đứng thứ tư thế giới là Việt Nam.

Theo đại diện từ công ty, xe máy điện Zio có ưu thế về công nghệ là động cơ tích hợp hộp số và thiết kế động cơ nằm ngoài bánh xe – các sáng chế này đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc năm 2017. ZioMotors hiện chưa có nhà máy tại Việt Nam nhưng ngay tại hội thảo, công ty đã chính thức ký kết 4 thỏa thuận hợp tác, trong đó có hợp tác với CNCTech - một công ty cơ khí chính xác đã hoạt động 10 năm trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng, ô tô xe máy; và với công ty TNHH Mai Văn Đáng chuyên sản xuất linh kiện xe máy ô tô xuất khẩu. Hai công ty Việt Nam này sẽ cung cấp linh kiện, phụ kiện lắp ráp xe Zio tại Việt Nam.

Theo giám đốc của CNCTech, các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ nói riêng và sản xuất nói chung đang có một cơ hội lịch sử để nhận chuyển giao công nghệ và quy trình sản xuất từ những nước phát triển và "chúng ta cần nhanh chóng nắm bắt những cơ hội đó để mở rộng ra nhiều ngành nghề hơn".