Ngày 26/11, tại Hà Nội, Bộ KH&CN cùng Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật đã tổ chức Hội nghị Công tác xuất bản sách Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ. Tại đây, rất nhiều ý kiến đóng góp về những hướng đi tiềm năng cho công tác xuất bản sách KH-KT-CN được đưa ra.

Tham dự Hội nghị có ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Phạm Ngọc Khôi, Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật; ông Nguyễn Nguyên, Phó vụ trưởng Vụ xuất bản báo chí, Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Kiểm, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; ông Đỗ Hoàng Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ KH&CN cùng nhiều đại diện của các cục, vụ, viện trực thuộc Bộ, cộng tác viên đã hợp tác cùng nhà xuất bản...
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc Hội nghị.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Đỗ Thị Quyên - Khoa Xuất bản Phát hành thuộc Trường Đại học Văn hóa Hà Nội - cho rằng, trước tình hình gặp vô vàn khó khăn, chịu sự cạnh tranh khốc liệt, Nhà Xuất bản KH-KT cần xác định được cho mình một triết lý kinh doanh, xây dựng một thương hiệu, sự khác biệt so với các Nhà xuất bản trong lĩnh vực KH-KT khác.

Ngoài ra, Nhà xuất bản có thể mở rộng liên kết với các nhà xuất bản khác để thu hút nguồn lực cũng như tăng cường sức mạnh. Có nhiều hình thức liên kết như liên kết bản thảo, biên tập sơ bộ, in xuất bản phẩm hay phát hành xuất bản phẩm. Tuy vậy, Nhà xuất bản cần phải dung hòa các biện pháp liên kết với việc giữ được vị thế của mình.

Bà Quyên cũng có ý kiến rằng, Nhà xuất bản KH-KT nên mở rộng mạng lưới phát hành, đẩy mạnh khâu truyền thông để sách tới được tay của nhiều độc giả hơn.
Quang cảnh
Rất nhiều ý kiến có chất lượng được các đại biểu đóng góp trong Hội nghị.

Ông Nguyễn Kiểm - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam- gợi ý, Nhà xuất bản nên lưu tâm tới việc xuất bản những cuốn sách phổ biến khoa học cho độc giả nhỏ tuổi. Ông cho rằng nguyên nhân khiến sách KH-KT, kể cả sau khi đoạt được nhiều giải thưởng về sách, vẫn nằm “ế” trên kệ, là do chưa bắt mạch nhịp đập của cuộc sống. Ngoài ra, nhiều đầu sách Khoa học hiện nay vẫn còn tình trạng thiếu ISBN và Index. Điều này cần được khắc phục.

Ông Kiểm cho rằng, cần phải nâng cao chất lượng sách KH-KT, đón đầu xu hướng để giới thiệu sách về xu hướng đó (chẳng hạn xu hướng nhà thông minh trong tương lai). Bên cạnh đó, nhà xuất bản cần chăm chút tới việc chọn người viết sách, chăm chút tới việc trình bày, vẽ bìa....

Về vấn đề quảng bá sách KH-KT, ông gợi ý nên thông qua các hiệp hội nghề nghiệp, hội sản xuất.

Bên cạnh đó, rất nhiều ý kiến thảo luận trong Hội nghị đều cho rằng Nhà Xuất bản KH-KT nên mở rộng phạm vi độc giả, quan tâm tới độc giả nhỏ tuổi, trực quan hóa các nội dung khoa học, mở rộng hệ thống phân phối sách và số hóa sách KH-KT để đến được với nhiều độc giả hơn...