Dự án Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp (BIPP) - sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Vương quốc Bỉ - đã chính thức khởi động với nhiều nội dung hỗ trợ việc phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp.

Dự án Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp (BIPP) - sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Vương quốc Bỉ - đã chính thức khởi động với nhiều nội dung hỗ trợ việc phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp. Một trong bốn nội dung quan trọng của dự án là thí điểm một cơ chế hỗ trợ về tài chính thông qua Quỹ Hỗ trợ hạt giống (InnoFund). Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Peter Nelson - chuyên gia quốc tế Quỹ Innofund, Văn phòng dự án BIPP - về mục đích cũng như các hoạt động liên quan đến tài trợ các dự án ươm tạo của Quỹ InnoFund.
Ông Peter Nelson - chuyên gia quốc tế Quỹ Innofund, Văn phòng dự án BIPP.
Ông Peter Nelson - chuyên gia quốc tế Quỹ Innofund, Văn phòng dự án BIPP.
Thưa ông, là người có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển ươm tạo tại nước ngoài, ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của việc thực hiện dự án BIPP đối với Việt Nam?
Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài và trong bối cảnh cả thế giới không ngừng tiến lên phía trước thì cách duy nhất giúp Việt Nam đi lên, phát triển nhanh, bền vững là phải đổi mới sáng tạo không ngừng để đạt được những thành tựu thông qua các sản phẩm cũng như thương mại hóa chúng.
Quỹ InnoFund thuộc dự án BIPP được hình thành với mục tiêu hỗ trợ chủ yếu về tài chính cho các dự án ươm tạo khả thi. Xin ông cho biết những kỳ vọng mà hai chính phủ đặt ra cho Quỹ InnoFund?
Quỹ của chúng tôi ra đời với mục đích là một dự án thử nghiệm. Hiện quỹ đã hoạt động được 4 năm, nhưng vẫn cần được hoàn thiện để có thể tự duy trì trong tương lai.
Có nhiều quỹ hiện đang hoạt động và nỗ lực để đạt được mục tiêu hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp, như Quỹ InnoFund ở châu Âu, Trung Quốc và bây giờ là Việt Nam, đã và đang cùng nhau triển khai các hoạt động để duy trì quỹ. Cũng vì lẽ đó, trong dự án thử nghiệm này, chúng tôi đã đề ra các chính sách nhằm hỗ trợ duy trì hoạt động của các quỹ như vậy. Chúng tôi đặt rất nhiều hy vọng vào Quỹ InnoFund và đã chuẩn bị cho kế hoạch lần đầu tiên kêu gọi các đề xuất trong khuôn khổ của dự án.
Hy vọng sẽ nhận được rất nhiều đề xuất, từ đó thiết lập một quỹ có thể tự duy trì và hình thành một mô hình có thể hoạt động lâu dài trong tương lai, bởi sẽ có rất nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo thất bại.
Bạn sẽ không bao giờ đạt được 100% thành công, nhưng bạn vẫn phải thử nghiệm và chúng tôi tin Việt Nam rất mạnh trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Được biết, mới đây Việt Nam đã tăng 19 bậc trên bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2015. Đó cũng là một minh chứng. Ông có thể chia sẻ các kinh nghiệm trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo qua các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp tại Australia?
Thực tế, có rất nhiều cơ sở ươm tạo doanh nghiệp. Nơi tôi làm việc gần đây nhất là của một người bạn - chuyên gia in ấn về lĩnh vực báo chí và truyền thông. Bạn ấy có máy in laser cho máy tính, nhưng để in báo thì cần máy in nén. Do đó, người ấy đã thiết kế một hệ thống công nghệ có thể in báo bằng máy in laser. Chúng ta đang nói về một máy in có thể in khoảng 200 mét/phút. Chúng tôi đã mua sản phẩm này, đóng gói và đưa đến các nhà đầu tư mạo hiểm và chúng tôi đã được đầu tư khởi nghiệp. Lợi ích ở đây là nếu bạn đang tìm kiếm những cách phát triển “xanh” cho một dự án - ví dụ như máy in laser, bạn chỉ cần một giấy có độ dày một nửa so với máy in nén và nó có thể tiết kiệm cả một gia tài. Đó chỉ là một ví dụ. Ở Việt Nam, có rất nhiều ý tưởng mới nhưng bạn phải làm việc với tinh thần đổi mới sáng tạo.
Trong 100 năm qua, có thể chỉ có 20 ý tưởng thực sự mới, do đó điều bạn tìm kiếm không phải là cái gì thực sự mới, mà là phương thức cải tiến công nghệ để có thể sử dụng chúng theo nhiều cách khác nhau.
Vậy làm thế nào để các ứng viên có thể tiếp cận Quỹ InnoFund, thưa ông?
Tôi có một bài báo được đăng trên Thời báo Kinh tế Việt Nam, một bản cứng trên tờ eEdition số ra lần thứ tám và chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo ở miền Bắc và miền Nam để những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quan tâm có thể tìm hiểu. Chúng tôi hy vọng nhận được sự hỗ trợ của báo chí và truyền thông. Tôi cho rằng, truyền thông có vai trò rất lớn trong lĩnh vực này. Ví dụ như “Sáng kiến đổi mới sáng tạo của Australia” được Bộ Khoa học Australia tài trợ, tờ báo Australian đồng tài trợ và họ tổ chức các giải thưởng thường niên cho các dự án đổi mới sáng tạo với mức giải thưởng thường niên lên đến 65.000USD.
Do đó, rất cần sự hợp tác với truyền thông để truyền bá thông điệp đến với những người có ý tưởng, đam mê nghiên cứu và mong muốn được đầu tư khởi nghiệp.
Ông có lời khuyên gì cho các ứng viên?
Điều đó thật khó. Cần có những người có ý tưởng hay và dám thử nghiệm ý tưởng đó. Mục đích của các cơ sở ươm tạo là giúp các tổ chức, cá nhân, nhà khoa học, doanh nghiệp,... thử nghiệm các ý tưởng của họ và xem xét liệu những ý tưởng đó có hiệu quả không. Chắc chắn là phải thử nghiệm và kiểm tra xem đã có người nào khác làm giống vậy chưa, sau đó nghiên cứu đưa ra thị trường.
Xin trân trọng cảm ơn ông!