“Có trên 80% doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam mà chúng tôi khảo sát họ cho rằng họ muốn xây dựng thương hiệu nhưng không có tiền, khi nào họ đủ ăn thì họ mới làm".

Ý kiến này được PGS-TS Nguyễn Quốc Thịnh Trưởng Bộ môn Quản trị Thương hiệu- ĐH Thương mại đưa ra tại toạ đàm Thương hiệu và quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) với hoạt động khởi nghiệp. Tọa đàm nằm trong khuân khổ các hoạt động của ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo -Techfest 2016 - sự kiện do Ngân hàng Vietinbank và Ngân hàng Vietcombank tài trợ.

PGS-TS Nguyễn Quốc Thịnh - Trưởng Bộ môn Quản trị Thương hiệu- ĐH Thương mại.

Theo TS Thịnh, thương hiệu là một tập hợp các dấu hiệu để nhận biết, phân biệt sản phẩm của doanh nghiệp là hình tượng về sản phẩm của doanh nghiệp trong tâm trí khách hàng và công chúng. Doanh nghiệp tạo ra một bộ dấu hiệu để phân biệt sản phẩm và thực chất là tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình và điều khách hàng cần nhất là sự cảm nhận, thương hiệu phát triển trong từng ngày mà doanh nghiệp hoạt động.

Tuy nhiên, một thông tin mà ông đưa ra tại tọa đàm thì có trên 80% doanh nghiệp Việt Nam khảo sát họ cho rằng họ muốn xây dựng thương hiệu nhưng không có tiền. Trên thực tế, bất cứ một doanh nghiệp nào cũng gặp khó khăn về tài chính, khó khăn về nguồn nhân lực vì vậy phải lựa chọn một cách đi cho phù hợp.

"Hiện nay có rất nhiều phương tiện truyền thông, nhiều cách để chúng ta làm thương hiệu mà tốn không nhiều tiền. Đừng nghĩ rằng chúng ta xây dựng thương hiệu là chúng ta sẽ cần quảng cáo rầm rộ, bắt buộc chúng ta phải quảng cáo trên truyền hình. Chúng ta hoàn toàn có rất nhiều kênh để khai thác, mỗi một khách hàng một mục tiêu khác nhau chúng ta sẽ lựa chọn kênh truyền thông phù hợp nhất", TS Thịnh gợi ý.

Các trang mạng xã hội như facebook, diễn đàn xã hội cũng sẽ mang lại hiệu quả quảng bá rất cao. "Chúng ta đừng nghĩ rằng xây dựng thương hiệu là cần rất nhiều tiền mà phải xác định được ý tưởng sản phẩm này sẽ đi đến nhóm khách hàng nào, mục tiêu nào và nắm được những lợi ích giá trị cốt lõi truyền tải cho khách hàng", TS Thịnh chia sẻ.

Còn theo ông Lucien Bolliger, Công ty SOYON VIETNAM cho rằng lý do mà startup không thành công khi xây dựng thương hiệu do quá cầu toàn và tập trung vào những điều không quan trọng, thiếu sự quyết tâm 100% từ các Nhà sáng lập.

TS Thịnh cho biết thêm, hiện nay ở các Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) địa phương, các Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đều có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để tiếp cận đế các vấn đề liên quan đến tài sản trí tuệ (TSTT) và quản lý các vấn đề liên quan đến TSTT. Chúng ta hãy theo dõi những chương trình như vậy sẽ nhận được tư vấn miền phí từ các chuyên gia.

"Với các chương trình của Bộ KH&CN đang triển khai về phát triển TSTT chắc chắn rằng các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được hưởng lợi rất nhiều liên quan đến việc tư vấn về góc độ pháp lý, tư vấn đến bảo hộ cho các đối tượng SHTT. Quan trọng nhất là doanh nghiệp có quyết tâm hay không và nếu kiên trì chịu khó tìm hiểu cơ hội thành công cao hơn", TS Thịnh nhấn mạnh.