Thông qua 51 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, Chương trình KH&CN cấp quốc gia CTDT/16-20 đã giới thiệu hơn 2.300 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN phù hợp với điều kiện sinh thái cho 34 tỉnh/thành phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngày 14/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết Chương trình KH&CN cấp quốc gia Công tác dân tộc giai đoạn 2016-2020 (CTDT/16-20) và tổng kết Chương trình phối hợp giữa Bộ KH&CN và Uỷ ban Dân tộc (UBDT) giai đoạn 2012-2020 diễn ra hôm 14/7. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự và phát biểu ý kiến.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Bộ KH&CN và UBDT cần nhanh chóng xây dựng những mô hình khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các lĩnh vực phù hợp với nông sản, dược phẩm đặc hữu ở các vùng dân tộc. Ảnh: Hà Trang

Trong gần 6 năm vừa qua, hai chương trình này đã triển khai thực hiện được tổng số 51 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia với tổng kinh phí 176,1 tỷ đồng, theo đó, giới thiệu được 2.324 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN có hiệu quả, quy mô phù hợp với điều kiện sinh thái cho 34 tỉnh/thành phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngoài ra, còn có 205 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học có uy tín của quốc gia; 72 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế, bao gồm 23 bài báo khoa học nằm trong danh mục ISI, SCOPUS; xuất bản hơn 50 đầu sách; hỗ trợ đào tạo cho trên 80 nghiên cứu sinh và 150 thạc sỹ.

Đáng chú ý, thông qua Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ KH&CN và UBDT, nhiều Ban Dân tộc đã đề xuất và trực tiếp chủ trì triển khai thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học, điển hình như “Nghiên cứu giải pháp cảnh báo, phòng tránh giảm thiểu thiệt hại do lũ ống, lũ quét và sạt lở đất gây ra trên địa bàn dân tộc Dao tỉnh Lào Cai”, “Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thổ cẩm của các tộc người thiểu số ở tỉnh Đắk Nông” hay các dự án chuyển giao như “Ứng dụng tiến bộ KH&CN phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình”, “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ vi sinh trong sản xuất thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Thái Nguyên”…

Người dân thị xã Sa Pa (Lào Cai) trồng cà chua trong nhà lưới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nhân Dân

Theo PGS. TS. Phạm Quang Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, “Dù trước đây chúng ta đã có chương trình Tây Bắc, Chương trình Tây Nguyên, Chương trình Tây Nam Bộ, nhưng mới chỉ dừng lại giải quyết các vấn đề của vùng. Chương trình CTDT/16-20 là chương trình đầu tiên nghiên cứu tổng thể và toàn diện các vấn đề của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong vòng 30 năm qua. 51 nhiệm vụ khoa học trong đó đã mang lại những dấu ấn nổi bật, mà đặc biệt trong đó là cung cấp một ngân hàng đồ sộ những dữ diệu mới từ góc độ khoa học, đưa ra các kiến nghị có căn cứ, làm nền tảng để Nhà nước, các Bộ, ngành tiếp tục đưa ra các chính sách đổi mới hợp lý."

Cần đi vào thực tiễn hơn nữa

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, trong giai đoạn phối hợp tiếp theo, Bộ KH&CN và UBDT cần tập trung hơn nữa “nghiên cứu từ thực tiễn, vạch ra những kế hoạch cụ thể để đưa những tiến bộ khoa học đến các vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn.”

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng các vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các tiến bộ khoa học, vì vậy các nhà quản lý càng cần phải nghiên cứu thật kỹ để có hướng đi phù hợp. Ảnh: Hà Trang

Đồng tình với ý kiến này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhận định: “Chúng ta thường nói đến kinh tế số, dữ liệu số, ngân hàng số…, nhưng đó đều là những thứ rất chung chung với người dân ở vùng dân tộc thiểu số và vùng núi. Phải đưa chúng đi vào thực tế, trở thành các ứng dụng hiệu quả, lúc ấy người dân mới thấy rõ vai trò của KH&CN. Như thế, chính sách và các nghiên cứu KH&CN mới thực sự đi vào đời sống”.

Theo ông Phạm Quang Linh, Phó chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, để biết liệu các kết quả KH&CN của chương trình đã thực sự chuyển giao hiệu quả hay chưa, “chúng ta cần có những đánh giá cụ thể sau một thời gian tiến hành”. Ông đề xuất Bộ KH&CN và UBDT cần xem xét thời gian kết thúc các chương trình nghiên cứu sao cho hợp lý. “Tôi nghĩ các đề tài nên kết thúc chậm nhất là vào năm 2019, lúc đó chúng ta mới có kết quả để chuẩn bị cho giai đoạn hợp tác mới.”

Ông Nguyễn Cao Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, UBDT - cũng cho rằng Chương trình CTDT/16-20 được phê duyệt từ tháng 6/2016, nhưng nhiều đề tài đến tận năm 2018 mới bắt đầu triển khai. Vi vậy thời điểm kết thúc các đề tài tập trung chủ yếu vào cuối năm 2019 và năm 2020. Khoảng thời gian từ lúc kết thúc, nghiệm thu các đề tài cho đến khi soạn kế hoạch cho Chương trình hợp tác giai đoạn 2021 - 2025 quá ngắn, điều này ảnh hưởng đến việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu và chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ KH&CN và UBDT đã ký Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học phục vụ công tác đổi mới chính sách dân tộc, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, trong thời gian tới, “Bộ KH&CN sẽ tiếp tục là cầu nối giữa những chương trình liên quan đến các vấn đề cơ bản và cấp bách của dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc thiểu số ở Việt Nam đến năm 2030, cũng như sẽ cung cấp những thông tin giới thiệu về các thành tựu KH&CN tiên tiến phối hợp, hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực KH&CN để từ đó tạo ra sức mạnh tập thể về KH&CN, góp phần phục vụ hiệu quả vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong tương lai.”