Nhóm nghiên cứu ở Học viện Quân y đã thử nghiệm thành công phương pháp dùng virus sởi để gây tan tế bào khối u ung thư buồng trứng trên chuột.

Đây là kết quả của đề tài “Nghiên cứu điều trị ung thư buồng trứng bằng liệu pháp virus tiêu hủy u (Oncolytic Virotherapy)” thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (KC.10/16-20) do Bộ KH&CN quản lý.

Liệu pháp virus tiêu hủy u là một hướng mới trong điều trị ung thư hiện nay. Ưu điểm của phương pháp này là ít tác dụng phụ, hạn chế ảnh hưởng đến tế bào lành và có thể áp dụng trên nhiều loại ung thư.

TS. Đặng Thành Chung (Học viện Quân y), chủ nhiệm đề tài, cho biết mục tiêu của đề tài là xây dựng quy trình tạo chế phẩm chứa virus sởi giảm độc lực, đánh giá tính an toàn và tác dụng kháng tế bào ung thư buồng trứng của chế phẩm trên thực nghiệm, và đánh giá hiệu quả của liệu pháp virus tiêu hủy u trong điều trị ung thư buồng trứng.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành các công đoạn: chế tạo dung dịch, môi trường cho virus; sản xuất, tinh chế và cô đặc virus sởi giảm độc lực bán thành phẩm; xây dựng tiêu chuẩn chất lượng virus sởi dùng điều trị ung thư buồng trứng.

Đánh giá tác dụng kháng tế bào ung thư buồng trứng người của chế phẩm trên thực nghiệm. Ảnh: NNC

Sau khi thu được chế phẩm MeV, họ đã đánh giá tính an toàn trên chuột và khỉ. Kết quả nghiên cứu cho thấy các liều tiêm 10^5, 10^6,10^7 TCID50 đảm bảo độ an toàn.

Về tác dụng kháng tế bào ung thư buồng trứng, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm trên chuột thiếu hụt miễn dịch và mang khối u ung thư buồng trứng người và nhận thấy chế phẩm có khả năng li giải tế bào ung thư biểu mô buồng trứng, có tác dụng kháng ung thư buồng trứng.

Cụ thể, trong 21 ngày theo dõi điều trị, thể tích khối u của nhóm chuột sử dụng chế phẩm MeV giảm dần, trong khi ở nhóm đối chứng tăng dần. Nhóm chuột nghiên cứu cũng có thời gian sống lâu hơn nhóm đối chứng do chế phẩm MeV có khả năng hoạt hóa miễn dịch làm tăng huy động tế bào tua (DC), tế bào tiêu diệt tự nhiên (NK), tế bào bạch cầu đơn nhân (M) trong lách và khối u chuột.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đề tài đã mở ra một hướng mới điều trị hiệu quả và không xâm lấn đối với ung thư buồng trứng, và từ đó có thể mở rộng ứng dụng nghiên cứu trên các loại ung thư khác ở Việt Nam.