Nhà tư vấn chiến lược về đổi mới sáng tạo Göran Roos đã sử dụng khối dữ liệu khổng lồ cùng nhiều ví dụ sinh động để chỉ ra các thách thức cũng như cơ hội cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Trong suốt 3 tiếng thuyết trình tại Bộ Khoa học và Công nghệ với chủ đề “Đổi mới sáng tạo với tăng trưởng kinh tế - Bối cảnh mới của thế giới và các khuyến nghị với Việt Nam”, nhà tư vấn chiến lược về đổi mới sáng tạo Göran Roos đã sử dụng khối dữ liệu khổng lồ cùng nhiều ví dụ sinh động để chỉ ra các thách thức cũng như cơ hội cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Buổi thuyết trình có sự tham dự của toàn bộ lãnh đạo và các cán bộ chủ chốt của Bộ KH&CN. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tham dự và đánh giá buổi thuyết trình là “dịp hết sức quý báu để cùng nghiên cứu, trao đổi và tham vấn chính sách với Giáo sư Göran Roos”, trong bối cảnh Việt Nam đang có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo như một trong những đột phá chiến lược trong công cuộc tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Kinh tế Việt Nam đang ở thời điểm then chốt

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trao đổi với Giáo sư Goran Roos. Ảnh: Loan Lê.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trao đổi với Giáo sư Göran Roos. Ảnh: Loan Lê.

Với phong thái trình bày hấp dẫn, Giáo sư Göran Roos đã dựng lại bức tranh thế giới đang dịch chuyển sang hướng công nghệ số và các nền kinh tế đều gặp phải ít nhiều những thách thức, đặc biệt là các nền kinh tế vốn tăng trưởng chủ yếu dựa vào chi phí sản xuất rẻ và tạo ra những sản phẩm đơn giản. Dẫn chứng bằng bản đồ tổng thể trình độ phát triển của các quốc gia, Giáo sư Göran Roos hóm hỉnh cho rằng Việt Nam có cả những dữ kiện “thú vị và không thú vị cho lắm”.

Sự “không thú vị” theo ông là việc kinh tế Việt Nam đang có vị thế thấp, chủ yếu sản xuất chế tạo ra các sản phẩm đơn giản và “hiện không còn là quốc gia có lợi thế về chi phí sản xuất thấp như trước”. Trong khi đó, các ngành sản xuất lợi thế của Việt Nam là dệt may và thủy sản “lại không giúp cộng hưởng phát triển các ngành khác được nhiều”. Do vậy, theo Giáo sư Göran Roos, Việt Nam đang đứng trước “giai đoạn then chốt và các quyết sách vào giai đoạn này sẽ tác động đến các mục tiêu lợi nhuận dài hạn của đất nước”. Nhưng bên cạnh đó, ông đánh giá nền kinh tế Việt Nam cũng có dữ kiện “thú vị” là đang có nhiều cơ hội để chuyển dịch sang sản xuất các sản phẩm phức hợp có hàm lượng công nghệ cao, từ đó có động lực mới để tăng trưởng.

Sản phẩm phức hợp mang lại thịnh vượng

Giáo sư Göran Roos đặc biệt nhấn mạnh đến khái niệm “nền kinh tế phức hợp” đang tạo ra sự thịnh vượng của các quốc gia. Theo Chỉ số kinh tế phức hợp (ECI) năm 2010, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 98 của thế giới do có khoảng 70% sản phẩm xuất khẩu nằm trong nhóm thấp nhất của thang đánh giá độ phức tạp như dệt may, da giày... Trong khi đó, các sản phẩm xuất khẩu có độ phức tạp cao như đồ điện tử lại chủ yếu là gia công cho các tập đoàn nước ngoài và có rất ít sản phẩm được nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Giáo sư Göran Roos khuyến nghị Việt Nam cần đạt được 4 mục tiêu về chính sách để có thể chuyển dịch được sản phẩm và nền kinh tế, tạo động lực tăng trưởng mới. Thứ nhất là gia tăng sự phát triển của nền kinh tế phức hợp bằng các sản phẩm và dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao. Thứ hai là tăng cường việc ứng dụng công nghệ số trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Thứ ba là phải tập trung vào ngành sản xuất chế tạo trong khi ngành dịch vụ cũng phải liên kết trực tiếp hoặc gián tiếp với sản xuất chế tạo. Thứ tư là phải đạt được sự cân bằng trong việc hướng tới nền kinh tế ở trình độ cao.

Giáo sư Goran Roos thuyết trình tại Bộ Khoa học Công nghệ. Ảnh: Loan Lê
Giáo sư Göran Roos thuyết trình tại Bộ Khoa học Công nghệ. Ảnh: Loan Lê

Ngoài những khuyến nghị này, Giáo sư Göran Roos còn tập trung phân tích “năng suất lao động là yếu tố then chốt” của sự tăng trưởng. “Năng lực cải thiện mức sống người dân của một nước gần như phụ thuộc hoàn toàn vào việc nước đó có năng lực gia tăng sản phẩm làm ra trên mỗi lao động như thế nào”, ông nhấn mạnh. Theo ông, hiện năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực và để tăng năng suất lao động, Việt Nam cần phát triển một loạt các yếu tố như đổi mới sáng tạo, năng lực quản lý, năng lực học hỏi, khả năng cạnh tranh…

Giáo sư Göran Roos là nhà tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới về chính sách phát triển kinh tế, công nghiệp và đổi mới sáng tạo. Ông từng làm việc tại trên 50 nước và hiện là chuyên gia tư vấn chiến lược cho chính quyền bang Nam Australia, Australia. Buổi thuyết trình của Giáo sư Göran Roos nằm trong khuôn khổ hoạt động đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ hoạch định chính sách của Việt Nam về quản trị đổi mới sáng tạo, thuộc Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn II (IPP2).


Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh:
“Cần đổi mới trong tư duy chiến lược về hoạch định chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ tăng trưởng, sao cho lực lượng khoa học và công nghệ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ để đáp ứng được các đòi hỏi từ thực tiễn phát triển đất nước, ngành, lĩnh vực, đưa khoa học và công nghệ đóng góp mạnh mẽ hơn tới năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.”

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Đại biểu quốc hội: “Nền kinh tế Việt Nam muốn phát triển bền vững thì không có giải pháp nào khả thi hơn là cần phải có cách nhìn tổng thể và thấu đáo về vai trò của đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế để có chủ trương, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững trong tương lai...”.

Bà Trần Thu Hương, Giám đốc Chương trình Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn II: “Đổi mới sáng tạo là công cụ thiết yếu của mỗi quốc gia đang phát triển với nguồn nhân lực hạn chế như Việt Nam để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, địch vụ và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Từ góc độ đổi mới sáng tạo, các chỉ số chính để đo lường hiệu quả của hoạt động KH&CN, bên cạnh số lượng bài báo và sáng chế như hiện nay, cần bổ sung các chỉ số thực dụng hơn về doanh nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được thành lập trên cơ sở kết quả nghiên cứu, cơ hội việc làm, doanh thu, đặc biệt là sản phẩm, dịch vụ mới cung cấp cho thị trường, người dân và xã hội có độ an toàn chất lượng cao…”