Hiện mới bước vào đầu mùa khô năm 2016 nhưng tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã diễn biến cực kỳ phức tạp.


Hạn hán, xâm nhập mặn sẽ càng nguy hiểm

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia phân tích, có 3 nguyên nhân gây ra hạn và xâm nhập mặn nặng nề cho ĐBSCL. Trước hết là hiện tượng El Nino với cường độ và mức độ mạnh hơn, kéo dài kỷ lục từ 2014 có thể tiếp tục đến giữa năm 2016 (kéo dài hơn El Nino năm 1997 - 1998).

Nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm 1-1,5oC, lượng mưa thấp hơn nhiều năm 30-50%. Trong khi đó, tổng lượng dòng chảy sông Mekong về ĐBSCL thiếu hụt so với trung bình nhiều năm 20-50%, ở mức thấp nhất trong lịch sử. Chính vì vậy, dòng chảy từ thượng lưu về ĐBSCL hạn chế dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn sẽ càng nguy hiểm hơn.

han han, xam nhap man khoc liet o dbscl: dau la nguyen nhan? hinh 0
Nhiều trạm bơm phải vận hành liên tục để cung cấp nước cho đồng ruộng

Khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam bộ tiếp tục sâu và cao hơn cùng kỳ mùa khô năm 2015 và trung bình nhiều năm. Từ cuối tháng 2-2016, mặn có khả năng duy trì ở mức cao, nghiêm trọng.

Ông Hoàng Đức Cường phân tích thêm: “Dòng chảy từ thượng lưu về ĐBSCL trong mùa khô 2015 - 2016 dự kiến ở mức thấp. Do vậy hạn hán và xâm nhập mặn sẽ hết sức nghiêm trọng. Khả năng xâm nhập mặn ở vùng cửa sông Nam Bộ tiếp tục sâu và cao hơn so với cùng kỳ 2015, ít nhất từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3. Độ mặn cao nhất sẽ rơi vào khoảng giữa tháng 3. Sau đó duy trì ở mức cao và giảm dần ở cuối tháng 5”.

Hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô ở ĐBSCL sớm, xâm nhập sâu trên diện rộng và kéo dài đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Theo GS.TS. Tăng Đức Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, xâm nhập mặn năm nay có đặc điểm rất nguy hại là sớm, sâu và kéo dài. Ông Thắng dẫn chứng trong tháng 12 năm ngoái, độ mặn là 4g/lít đã xâm nhập sâu vô 60-65 km là rất khủng khiếp và cực hạn.

GS.TS. Tăng Đức Thắng phân tích nguyên nhân mặn đầu mùa sớm, sâu, khác hẳn hoàn toàn trước đây chính là do từ năm 2010 đến nay, các đập thủy điện lớn của Trung Quốc đi vào vận hành. Theo ông Tăng Đức Thắng, các đập thủy điện ở thượng nguồn tạo nên những diễn biến rất khó lường. Cụ thể, tình trạng mặn giữa mùa có thể giảm vì thủy điện xả nước, nhưng đến mặn cuối mùa thì lại cực kỳ nghiêm trọng khi các nước thượng nguồn trữ nước và xâm nhập mặn có thể kéo đến tháng 6 – 7 tới.

“Phát triển hiện nay ở thượng lưu tác động cực kỳ quan trọng. 2 hồ chứa cực lớn với dung tích điều tiết khoảng 20 tỷ mét khối với hàng loạt thủy điện nhỏ trên nhánh của nó. Cho nên câu chuyện đầu tiên lo lắng nhất của ĐBSCL là chúng ta mất lũ, lũ giảm hàm cấp luôn. Khảo cứu điều tra cho thấy sự hợp l‎ý và chúng tôi sẽ báo cáo chính thức với nhà nước. Thứ hai, đối với vùng ven biển, do phát triển thượng lưu làm dòng chảy bị thay đổi đã làm xâm nhập mặn ngày càng bất thường hơn. Mặn đầu mùa sẽ đến sớm hơn, sâu hơn. Khác hẳn hoàn toàn so với trước đây” - GS.TS. Tăng Đức Thắng nói.

Nông dân mất trắng hàng ngàn tỷ đồng

Theo số liệu Bộ NN-PTNT tính toán, diện tích lúa đông xuân 2015- 2016 có nguy cơ nhiễm mặn và hạn hán của các tỉnh ven biển ĐBSCL có thể lên đến khoảng 340.000 ha chiếm khoảng trên 35% diện tích xuống giống của vùng ven biển và khoảng 22% toàn vùng ĐBSCL. Trong đó diện tích ảnh hưởng nặng là trên 100 ngàn ha.

han han, xam nhap man khoc liet o dbscl: dau la nguyen nhan? hinh 1
Lúa đông xuân tại xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) bị cháy do thiếu nước ngọt(Ảnh: Nhật Trường)

TS. Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, không chỉ với lúa mà xâm nhập mặn còn ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái ở một số địa phương. Đặc biệt là tỉnh Vĩnh Long, trong lịch sử chưa bao giờ bị thiệt hại bởi xâm nhập mặn thì hiện nay hàng ngàn ha bưởi da xanh, năm roi đã bị ảnh hưởng. Tại khu vực sông Hậu, thành phố Cần Thơ vốn có nước ngọt quanh năm nay cũng đã có dấu hiệu cho thấy mặn đã bắt đầu xâm nhập.

TS. Lê Quốc Doanh cho biết: “Về phía Bộ Nông nghiệp, chúng tôi chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ tăng cường dự báo nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn tới từng địa phương để chỉ đạo vận hành công trình thủy lợi lấy nước có hiệu quả. Hỗ trợ các giải pháp công nghệ phù hợp, xây dựng các đập tạm, giải pháp lấy nước và trữ nước. Hướng dẫn thời vụ và cơ cấu giống cho từng tiểu vùng nhằm né, tránh thiệt hại do hạn hán, mặn gây ra.Đây là giải pháp mềm nhưng rất quan trọng”.

Ước tính sơ bộ thì đến thời điểm này hạn, mặn đã làm thiệt hại về cây lúa của nông dân vùng ĐBSCL cả ngàn tỷ đồng và nguy cơ lúa chết còn tiếp tục xảy ra. Lo ngại nhất, không chỉ vụ đông xuân hiện tại mà cả vụ hè thu tới cũng bị ảnh hưởng. Cùng với đó, là những ảnh hưởng trực tiếp lên vườn cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản nước ngọt... Vì vậy, Bộ NN-PTNT, các Bộ ngành, địa phương khu vực ĐBSCL đang có sự vào cuộc quyết liệt để ứng phó.

Trong bài viết tiếp theo, chúng tôi tiếp tục thông tin rõ những giải pháp trước mắt và lâu dài trong công tác phòng chống hạn, mặn ở ĐBSCL./.