Sau 20 ngày được ghép tim và gan thành công, sức khỏe của 2 bệnh nhân Trần Ngọc Hải (59 tuổi) và Nguyễn Văn Hải (37 tuổi) hoàn toàn ổn định và đã được xuất viện.

Trước đó, bệnh nhân Nguyễn Văn Hải (bệnh nhân được ghép tim) bị suy tim và bệnh nhân Trần Ngọc Hải có tiền sử viêm gan B 20 năm, không điều trị và phát hiện ung thư gan năm 2014 đã được phẫu thuật tại BV Việt Đức.
Hai bệnh nhân được ghép tim và gan được ra viện. Ảnh: VGP/Thúy Hà
Hai bệnh nhân được ghép tim và gan được ra viện. Ảnh: VGP/Thúy Hà
Tại lễ tiễn ra viện ngày 25/9, cả 2 bệnh nhân đều cảm thấy hạnh phúc và tự hào về trình độ ghép tạng ở Việt Nam cũng như không quên nghĩ đến người đã hiến tạng cho mình.

GS Nguyễn Tiến Quyết- Giám đốc Trung tâm ghép tạng (BV Việt Đức) chia sẻ, ông có niềm tin tuyệt đối rằng 2 ca này sẽ thành công mặc dù nguồn tạng được vận chuyển rất xa, bởi ông cho rằng, BV có đủ nhân lực, kỹ thuật và có sự phối hợp rất tốt từ các bệnh viện khác.

“Đặc biệt, đối với ca ghép gan này, chúng tôi chỉ mất 7 tiếng rưỡi, trong khi thế giới mất 10 tiếng. Điều đó chứng tỏ kỹ thuật chúng ta không thua kém thế giới. Tuy nhiên, kinh nghiệm của chúng ta còn thua thế giới, vì mỗi năm ở Mỹ ghép có đến 2.000 ca ghép tạng, trong khi chúng ta còn khiêm tốn”, GS Quyết nói.

Theo GS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc BV Việt Đức, nguyên nhân của thực tế này là do nguồn tạng khan hiếm. Ví dụ tại BV Việt Đức, trong 5 năm qua, bệnh viện mới vận động được 26 người chết não cho tạng để cứu 11 bệnh nhân suy tim, 22 người suy gan và 50 người suy thận.