Chiều 27/10, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết UBND TP Hà Nội đã quyết định xây dựng Nhà máy nước mặt Sông Hồng có tổng vốn đầu tư 3.692 tỉ đồng.

Đây là Nhà máy nước mặt thứ hai phục vụ Thủ đô Hà Nội, sau Nhà máy nước mặt Hòa Bình – nơi gắn liền với các sự cố vỡ đường ống thời gian qua.

Việc xây dựng Nhà máy nước mặt mới căn cứ nhu cầu dùng nước theo quy hoạch và cũng để đảm bảo an toàn cấp nước, đồng thời nhằm hạn chế ảnh hưởng của tuyến đường ống truyền dẫn nước sạch từ Hòa Bình về Hà Nội.

Chú thích ảnh: Việc xây dựng nhà máy nước mới được kỳ vọng sẽ giảm áp lực từ những hạn chế của đường ống nước sông Đà
Việc xây dựng nhà máy nước mới được kỳ vọng sẽ giảm áp lực từ những hạn chế của đường ống nước sông Đà

Nhà máy nước mặt Sông Hồng có công suất dự kiến đến năm 2020 là 300.000m3/ngày đêm, đến năm 2030 là 450.000m3/ngày đêm và năm 2050 đạt 600.000m3/ngày đêm. Đây sẽ là nguồn cấp nước sạch thứ 3 cho Thủ đô Hà Nội sau nguồn cung nước ngầm 600.000m3/ngày đêm và Nhà máy nước Hòa Bình 300.000m3/ngày đêm.

Ông Lê Văn Dục – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Việc xây dựng Nhà máy nước mặt Sông Hồng một phần cũng để đỡ cho tuyến Sông Đà. Khi dự án hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu cấp nước của 4 quận nội thành và 3 huyện dọc theo trục đường QL32”.

Rút kinh nghiệm từ việc quản lý xây dựng dự án đường ống nước sạch Sông Đà, ông Lê Văn Dục cho biết cơ quan quản lý nhà nước sẽ giám sát, phê duyệt chặt chẽ từ thiết kế kỹ thuật đến việc thực hiện dự án chứ không phó mặc cho chủ đầu tư.

28km đường ống nước sạch từ Nhà máy nước mặt Sông Hồng cũng sẽ được làm bằng vật liệu gang dẻo thay vì nhựa thủy tinh như đường ống nước Sông Đà. Đại diện chủ đầu tư cho biết đây là vật liệu vừa kinh tế, vừa bền và dễ sửa chữa khắc phục khi xảy ra sự cố. Đường ống nước sẽ được chôn ở độ sâu 1,5m thay vì 6m như đường ống nước Sông Đà, để hạn chế khó khăn mỗi khi cần khắc phục sự cố.

Quy trình công nghệ xử lý nước được chọn là công nghệ truyền thống với dây chuyền xử lý hiện đại. Công nghệ này được cho là ổn định và phù hợp để xử lý nước có dao động lớn về độ đục, đặc điểm chất lượng nước sông Hồng và diện tích xây dựng Nhà máy.

Quy trình xử lý được đề xuất gồm các bước cơ bản: sơ lắng cặn thôàKeo tụàTrộn phản ứngàLắng ngangàLọc nhanhàLọc hữu cơ (lọc than hoạt tính)àKhử trùngàBể chứa nước sạch.

Dự án sẽ được khởi công vào quý I năm 2016. Đến năm 2020, nhà máy đạt công suất 300.000m3/ngày đêm đảm bảo cung cấp nước cho khu vực phía Nam sông Hồng. Bao gồm các quận nội thành và khu vực phía Tây đường vành đai 3, phía Bắc đường QL32.