Với mục tiêu trở thành thành phố khởi nghiệp, có 200.000 doanh nghiệp khởi nghiệp vào năm 2020, Hà Nội chắc chắn có nhiều việc phải làm. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã chia sẻ những việc mà ông và cộng sự đang triển khai để mục tiêu này thành hiện thực

Thực hiện nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và các chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng, Hà Nội đã quyết liệt thực hiện nhiều chương trình để xây dựng cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh. Với mục tiêu có được 200.000 doanh nghiệp vào năm 2020, Hà Nội đã đề xuất xây dựng đề án hỗ trợ thành lập doanh nghiệp.

Đại diện cộng đồng khởi nghiệp chia sẻ các khó khăn, vướng mắc với lãnh đạo thành phố. Ảnh: NV

Theo đó, trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp với diện tích 200m2 đã được thành lập và đặt tại Sở Thông tin và truyền thông. Hiện nay, đã có 12 doanh nghiệp được thành lập và hỗ trợ.

Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng đã giao Sở kế hoạch và đầu tư xây dựng đề án riêng hỗ trợ doanh nghiệp. Quan điểm của lãnh đạo thành phố là xây dựng 2 đề án riêng, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Theo đó, một hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố Hà Nội cũng sẽ được hình thành để hòa vào cùng hệ sinh thái khởi nghiệp của cả nước.

Ông Nguyễn Đức Chung cho biết: “Lãnh đạo thành phố đã đi khảo sát các nước cũng như mời chuyên gia tư vấn. Ngoài việc xây dựng cổng thông tin hệ sinh thái khởi nghiệp dành riêng cho startup, chúng tôi cũng kêu gọi doanh nghiệp tên địa bàn thành phố xây dựng các trung tâm khởi nghiệp để tạo điều kiện cho các startup, cá nhân có ý tưởng thành phát triển, hoàn thiện và thành lập doanh nghiệp”.

Hiện nay, thành phố đã xây dựng được nhiều trung tâm nhưng vẫn khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư, tránh tình trạng, đầu tư từ nhà nước, hết kinh phí chương trình là dừng lại. “Thành phố sẽ là bà đỡ, tạo ra sân chơi, tạo điều kiện thuận lợi cho ý tưởng chứ không phải người hỗ trợ toàn bộ” – ông Chung nói.

Ngoài ra, tại các trung tâm do doanh nghiệp thành lập, những chương trình hội thảo, diễn thuyết để các nhà đầu tư, CEO có kinh nghiệm uy tín, startup đã thành công chia sẻ các câu chuyện và bài học. Tuy nhiên, để được tham gia vào các trung tâm tư vấn này, startup phải vượt qua được vòng đánh giá của các chuyên gia tư vấn.

Một vấn đề khác mà Hà Nội cũng sẽ triển khai là xây dựng các quỹ đầu tư. Vấn đề quan trọng nhất là thành phố trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp và startup. Nghĩa là, khi doanh nghiệp có nhu cầu phát triển sẽ được kết nối với các startup trong cùng lĩnh vực. Tại đây, nếu startup đưa ra được ý tưởng thuyết phục, doanh nghiệp sẽ trở thành nhà đầu tư. Nếu startup thành lập doanh nghiệp, thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ thủ tục để ý tưởng được triển khai.

Không chỉ quan tâm tới vốn, cơ sở vật chất, Hà Nội cũng sẽ kết nối để xây dựng đào tạo nguồn nhân lực thông qua các hội thảo, chương trình đào tạo như kỹ năng quản lý, cung cấp thêm kiến thức trong trong lĩnh vực ngành nghề của doanh nghiệp và startup. Startup muốn được học về lĩnh vực nào sẽ đăng ký trực tiếp tại cổng thông tin startupcity.vn để thành phố dựa trên cơ sở đó tổ chức. Như vậy lớp hợp sẽ thiết thực, đúng nhu cầu thực tế.