Làm nông nghiệp sạch, đưa công nghệ giúp tăng giá trị nông sản đang trở thành con đường được nhiều DN Việt Nam lựa chọn. Song để đi đến cuối con đường các DN phải vượt qua nhiều thách thức.


Trăn trở vốn, nguyên liệu

Khi được mời dùng thử sản phẩm xoài sấy dẻo của Công ty Việt Đức, chúng tôi khá ngạc nhiên vì cùng trong 1 túi thành phẩm nhưng có miếng xoài hơi chua, có miếng lại ngọt. Lý giải điều này, ông Võ Phát Triển, Giám đốc Công ty Việt Đức, cho biết chính sự thiếu đồng đều và thiếu hụt nguồn nguyên liệu nên các sản phẩm chưa thực sự đồng nhất. Là một Việt kiều muốn đóng góp cho quê hương, ông Triển đã đầu tư số vốn không nhỏ để làm trái cây sấy dẻo xuất khẩu. Với nguồn nguyên liệu sạch (đạt tiêu chuẩn VietGap) sản phẩm xoài sấy dẻo của Việt Đức được khách hàng tại Đức rất ưa chuộng. Mới đây có đơn hàng của 1 DN Đức đặt mỗi tháng 3 container loại 40 feet, nhưng ông Triển không thể nhận lời phần vì nguyên liệu chưa đáp ứng đủ, phần cũng vì còn thiếu hụt về vốn đầu tư cho công nghệ. Ông Triển cho biết tất cả là nguồn vốn tự có của ông, địa phương chỉ hỗ trợ giải quyết một số giấy tờ.

Thiếu vốn đầu tư cho công nghệ không chỉ là chuyện của riêng ông Võ Phát Triển, mà còn là băn khoăn chung của nhiều DN. Ông Đỗ Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Bé Dũng, bày tỏ nhiều trăn trở quanh vấn đề vốn cũng như những trợ lực của cơ quan chức năng. Là người con đất Bình Thuận, nhìn trái thanh long rớt giá ông Dũng không đành lòng, muốn tìm công nghệ chế biến để giải bài toán cho trái thanh long, nhưng khi ông đi trình bày ý tưởng của mình với một số cơ quan chức năng, hầu như không mấy ai quan tâm. “Tôi đã cầm cố hết tài sản của mình được 20 tỷ đồng, đầu tư vào máy móc thiết bị. Khi tôi bắt đầu không ai quan tâm, nhưng khi tôi thành công hẳn sẽ có người hỏi tôi đã làm như thế nào” - ông Dũng bộc bạch. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua cũng là thời điểm Công ty Bé Dũng tung ra thành phẩm thanh long sấy dẻo sau khi thử nghiệm gần 20 tấn thanh long. Thành phẩm đã có, nhưng đầu ra cho sản phẩm cũng là một con đường dài phía trước.

Không chỉ DN, mà nhiều cá nhân cũng quan tâm đến việc làm nông nghiệp sạch. Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN, chia sẻ về thanh niên Võ Văn Tiếng, người đang một mình loay hoay trên một phần đất của gia đình để thực hiện quyết tâm trồng lúa hữu cơ. Bà Hạnh cho biết Tiếng đã thu hoạch 2 vụ lúa hữu cơ, quyết tâm của Tiếng rất cao, nhưng bản thân người thanh niên ấy lại đang thiếu rất nhiều thứ, thiếu niềm tin của người thân và những người xung quanh, thiếu vốn, thiếu đầu ra cho sản phẩm. Xa hơn, nếu muốn phát triển con đường trồng lúa hữu cơ của mình, Võ Văn Tiếng còn phải tính đến việc phát triển thương hiệu cho sản phẩm.

Hướng đi tất yếu

Có ai đó đã từng nói rằng làm nông nghiệp sạch thực ra là quay lại cách làm của ông bà ta khi xưa. Và thực tế, khi Việt Nam càng hội nhập con đường xưa ấy lại càng đúng đắn. 1 năm trước, khi những đại gia như Vingroup, Hòa Phát hay Hoàng Anh Gia Lai… đầu tư vào nông nghiệp, báo chí đã tốn không ít giấy mực. Nhưng nếu chỉ có những ông lớn này thôi thì quá ít ỏi và chưa đủ xây lên một bức tường lớn mạnh cho nông nghiệp Việt Nam. Nhiều DN khác đã, đang và sẽ đi theo con đường tất yếu này. Vinamit hiện nay cũng là một thí dụ điển hình. Người tiêu dùng đang dần quen với cửa hàng Vinamit Organics. Để cho ra những sản phẩm Organics (hữu cơ), Vinamit đã có 3 năm chuẩn bị cho vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit, DN này hiện đang làm những thủ tục cuối cùng để được cấp chứng nhận hữu cơ nên những sản phẩm hiện đang dùng chữ Vinamit Natural chứ chưa dùng Organics. Song Vinamit đã hình thành cửa hàng Vinamit Organics có nhiều mặt hàng hữu cơ của các DN Việt Nam khác.

Trang trại trồng rau của Organica ở Long Thành (Đồng Nai).

Cũng nhiều trăn trở với nông nghiệp và không ngại đầu tư cho nghiên cứu phát triển, ông Phạm Văn Thiện, Giám đốc Công ty Cỏ May, cho biết sẽ hiện thực hóa từng bước trong việc biến phụ phẩm trong nông nghiệp thành chính phẩm. Hiện Cỏ May đã đầu tư 20 tỷ đồng cho việc nghiên cứu và trích ly dầu cám và làm ra một số loại nông sản có giá trị khác. Ông Thiện cho biết sẽ đầu tư thêm 9 tỷ đồng cho các thiết bị phục vụ nghiên cứu trong thời gian tới. Ông Thiện khẳng định chỉ cần chú ý tới cám gạo (lấy dầu), rơm rạ (lấy nấm), làm phân hữu cơ, trấu (vo viên làm chất đốt sưởi ấm)… bằng cách đầu tư thiết bị, chọn lựa công nghệ mới tạo giá trị gia tăng thì làm cả đời cũng không hết việc.

Nhắc đến các sản phẩm hữu cơ, rau chính là một trong những sản phẩm được người tiêu dùng nhắc đến nhiều nhất. Việt Nam hiện đã có vài thương hiệu đạt chứng nhận rau hữu cơ. Thí dụ, vào những ngày đầu tháng 11-2015, trang trại rau Organica của Phạm Phương Thảo đã được cấp giấy chứng nhận rau hữu cơ, hay thương hiệu HoasuaFoods cũng nhận được chứng nhận hữu cơ cho nhiều sản phẩm của mình… Những DN đang tham gia vào hành trình này tuy vẫn còn chưa nhiều, song những thành công của họ chắc chắn sẽ trở thành tiền đề để nhiều cá nhân, DN khác hướng theo. Sản phẩm nông nghiệp sạch không chỉ hướng đến thị trường xuất khẩu mà cũng đang được người tiêu dùng trong nước hết sức ưa chuộng. Và để con đường này bớt khó khăn, rất cần sự chung tay của các cơ quan chức năng để tìm lời giải.