Khoa học cơ bản là một điểm nhấn trong chương trình Gặp gỡ Việt Nam năm 2016. Hội nghị “Khoa học cơ bản và xã hội” có sự tham gia không chỉ của các nhà khoa học đoạt giải Nobel, Fields, các nhà hoạch định chính sách mà cả đại diện nhiều tập đoàn kinh tế lớn.

Theo ông Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), đơn vị đồng tổ chức chương trình Gặp gỡ Việt Nam năm 2016 diễn ra ngày 7-8/7 tới - thì: “Nghiên cứu cơ bản là cơ sở để ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào cuộc sống. Đây cũng chính là lý do để khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào sự kiện này”.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trả lời báo chí tại buổi họp báo về chương trình Gặp gỡ Việt Nam 2016. Ảnh: Loan Lê
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trả lời báo chí tại buổi họp báo về chương trình Gặp gỡ Việt Nam 2016.
Ảnh: Loan Lê

Smartphone ra đời từ nghiên cứu cơ bản

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, khoa học cơ bản đang làm thay đổi cuộc sống hằng ngày. Từ điện thoại thông minh cho tới Internet đều bắt nguồn từ các kết quả nghiên cứu cơ bản. Khoa học cơ bản là cơ sở cho các ứng dụng thiết thực như điện tử, laser, di truyền học, chẩn đoán hình ảnh, sự hiểu biết về biến đổi khí hậu… Bởi vậy, tuy nội dung hội thảo chủ chốt của chương trình Gặp gỡ Việt Nam XII là về khoa học cơ bản và khoa học xã hội, nhiều tập đoàn kinh tế lớn cũng sẽ tham gia như Solvay (Bỉ), Sanofi, Valeo (Pháp), Airbus…

“Cuộc gặp gỡ này giữa các nhà hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và nghiên cứu cơ bản cho thấy sự quan tâm trực diện của tư nhân đối với nghiên cứu cơ bản sẽ ngày càng rõ ràng hơn” - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.

Trên thực tế, các tập đoàn lớn luôn tìm kiếm cơ hội từ chính các kết quả nghiên cứu cơ bản. Theo GS-VS Nguyễn Văn Hiệu - Uỷ viên Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia, nghiên cứu cơ bản chính là nền tảng, cơ sở cho các ứng dụng KH&CN trong thực tiễn: “Kinh phí cho nghiên cứu cơ bản chỉ khoảng 5%, 95% còn lại là nghiên cứu ứng dụng; nhưng nghiên cứu cơ bản là bắt buộc. Tất cả đều phải bắt đầu từ đây”.

Lấy ví dụ về nghiên cứu điều chế tinh chất chống ung thư từ củ nghệ - đã được thương mại hóa thành công nhờ ứng dụng công nghệ nano phát xuất từ chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” trước đó, GS Hiệu nhấn mạnh hiệu quả của nghiên cứu cơ bản. Đó không phải là những nghiên cứu “trên trời” mà phục vụ thiết thực nhất cho đời sống, dù rằng từ nghiên cứu cơ bản tới ứng dụng vào thực tiễn là một quá trình dài.

Việt Nam luôn ở top đầu ASEAN

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, thời gian qua Nhà nước đã chú trọng đầu tư cho nghiên cứu cơ bản - đặc biệt là từ năm 1991. Nhờ đó, Việt Nam có đội ngũ nhà khoa học được đào tạo bài bản và những kết quả nghiên cứu cơ bản sánh vai với khu vực, thậm chí quốc tế.

Từ năm 1991, Bộ KH&CN đã tham mưu cho Chính phủ và trực tiếp triển khai, chủ trì các chương trình nghiên cứu cơ bản, khoa học tự nhiên, vật lý, cơ học… Bộ đã thành lập Hội đồng Khoa học tự nhiên - tập hợp các nhà khoa học đầu ngành trong từng lĩnh vực để tư vấn cho bộ về định hướng phát triển.

“Trên diễn đàn quốc tế, số công trình công bố giai đoạn 2011-2015 của Việt Nam tăng trưởng 15-20%, tổng số công bố tăng gấp đôi giai đoạn 2006-2010. Trong năm 2014, Việt Nam xếp thứ 50 thế giới về toán học, thứ 60 về vật lý và 56 về hóa học. Trong khu vực ASEAN, chúng ta xếp thứ tư ở cả 3 môn này. Với lĩnh vực khoa học sự sống trái đất, Việt Nam xếp thứ 57 thế giới và thứ năm ASEAN” - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết.

Bộ trưởng cũng nhắc lại sự kiện UNESCO công nhận trung tâm toán học và vật lý dạng II của Việt Nam vào tháng 11/2015 để khẳng định vị thế các ngành khoa học cơ bản của Việt Nam: “Trong khu vực ASEAN không có trung tâm dạng II nào về toán và vật lý được UNESCO công nhận như của Việt Nam. Hai trung tâm được công nhận trước đó của Indonesia và Malaysia không thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản”.

Có được điều này, theo Bộ trưởng là nhờ sự nỗ lực, đam mê, nhiệt huyết của các nhà nghiên cứu cũng như sự quan tâm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực này, đặc biệt là với sự thành lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) vào năm 2008.

Với kinh phí khoảng 300 tỷ đồng mỗi năm, Quỹ Nafosted tài trợ cho hơn 300 nhiệm vụ khoa học - tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản. Với mỗi đề tài được quỹ tài trợ, yêu cầu bắt buộc đối với chủ nhiệm đề tài là phải có 2 bài báo công bố ISI mới được nghiệm thu. Đây là nguyên nhân thúc đẩy số công trình khoa học được công bố quốc tế của Việt Nam tăng nhanh.