Chiều 5/10, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã diễn ra "Hội nghị khoa học Đột quỵ và thần kinh toàn quốc lần thứ 7" với gần 50 báo cáo khoa học được trình bày. TS Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - tham dự hội nghị.

Đi kèm với sự phát triển kinh tế - xã hội và việc gia tăng tuổi thọ trung bình, các bệnh lý của người có tuổi như tim mạch, ung thư, đột quỵ... ngày một gia tăng trên toàn thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ ba sau các bệnh lý về tim mạch và ung thư, đứng hàng đầu về tỷ lệ tàn tật ở người trưởng thành.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, đột quỵ và bệnh lý thần kinh là một trong những nhóm bệnh lý phức tạp có tỷ lệ mắc cao, thường để lại di chứng nặng nề, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh, gây gánh nặng cho gia đình và xã hội. Cho đến nay, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu nhằm đưa ra phương pháp chẩn đoán, điều trị và dự phòng đột quỵ và bệnh lý thần kinh.

Thông qua các chương trình, đề tài, dự án, Việt Nam đã làm chủ được nhiều quy trình, kỹ thuật tiên tiến để chẩn đoán, điều trị đột quỵ và bệnh lý thần kinh như: Kỹ thuật chụp CT- Scan, chụp MRI, kỹ thuật chọc hút dẫn lưu ổ máu tụ dưới hướng dẫn của hệ thống định vị, điều trị huyết khối bằng thuốc tiêu sợi huyết, kỹ thuật lấy huyết khối cơ học, kỹ thuật đặt stent, công nghệ tế bào...

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh phát biểu.

Thứ trưởng cũng đánh giá cao các kỹ thuật được ứng dụng thành công trong điều trị đột quỵ và bệnh lý thần kinh tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 như: Phẫu thuật chọc hút dẫn lưu ổ máu tụ dưới hướng dẫn của hệ thống định vị điều trị chảy máu não cấp trên lều; lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học trên bệnh nhân thiếu máu não cấp do tắc nhánh lớn động mạch nội sọ...

Thiếu tướng, GS-TS Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện - cho biết: "Cấp cứu đột quỵ là một cấp cứu y tế khẩn cấp với hai mục tiêu chính là hạn chế hoặc phục hồi các mô não bị tổn thương cấp và ngăn chặn các tổn thương sau đột quỵ. Để nâng cao hiệu quả điều trị, hơn 10 năm qua, Trung tâm Đột quỵ não của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã khám, điều trị cho hàng chục ngàn bệnh nhân".

Đánh giá sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong điều trị đột quỵ ở Việt Nam, GS-TS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam - nhận định: "Tại các cơ sở y tế của Việt Nam hiện nay đã có rất nhiều công nghệ tiên tiến được sử dụng. Có nhiều công nghệ đột phá, hiện đại ngang tầm thế giới. Tuy nhiên, khó khăn nhất là làm sao tuyên truyền cho người dân và hệ thống tổ chức điều trị biết và chẩn đoán sớm hơn để đưa bệnh nhân đến các cơ sở ý tế để điều trị sớm nhất".

GS-TS Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Gần 50 báo cáo được trình bày tại hội nghị khoa học đột quỵ và thần kinh toàn quốc lần thứ 7 lần này đều được đánh giá là mang giá trị khoa học và thực tiễn về chuyên ngành đột quỵ và thần kinh, liên quan đến nhiều lĩnh vực như: Chẩn đoán hình ảnh, can thiệp mạch, y học cổ truyền, phục hồi chức năng, sinh lý bệnh, tế bào học, sinh học phân tử, can thiệp mạch, phẫu thuật, sinh hóa - huyết học...

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực y tế nói chung và đột quỵ - thần kinh nói riêng thông qua các Chương trình KH&CN như Chương trình trọng điểm cấp quốc gia KC.10/16-20: “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”.

"Chúng tôi rất mong muốn có sự hỗ trợ, hợp tác của các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế để giúp Việt Nam sớm tiếp cận và làm chủ các công nghệ chẩn đoán và điều trị tiên tiến của thế giới về lĩnh vực này" - Thứ trưởng nhấn mạnh.