Việc cung cấp dữ liệu mở từ các cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ cũng như các dịch vụ công được thực hiện trên nền công nghệ số, không chỉ là tiêu chí của một chính phủ minh bạch, liêm chính, mà cách làm này còn giúp thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế.

Tại hội thảo khởi động “Chương trình đánh giá mức độ sẵn sàng Dữ liệu mở và Chính phủ số tại Việt Nam” được Văn phòng Chính phủ, ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) và Chương trình Sáng kiến Việt Nam tổ chức ngày 16.1 tại Hà Nội, thông tin phân tích từ các chuyên gia cho thấy nếu Việt Nam không nắm bắt và thúc đẩy nhanh việc ứng dụng này, việc tụt hậu là đương nhiên. Song lớn hơn đó là sự lãng phí “tài nguyên” dữ liệu và khó thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.

Dữ liệu vô hình góp phần tăng trưởng

Đến từ WB – chuyên gia cao cấp Seunghyun Kim dẫn nhiều ví dụ thực tế minh hoạ để thấy rõ những lợi ích từ Chính phủ số đem lại. Theo đó với sự hỗ trợ của WB thông qua dự án eGhana có giá trị trên 115 triệu USD, Ghana – một quốc gia Tây Phi, đã thực hiện cải thiện dịch vụ chính phủ điện tử và hệ thống thuế trực tuyến. Theo đó, từ khi vận hành hệ thống, số ngày đăng ký doanh nghiệp trung bình từ hai tuần, đã giảm xuống còn 3 – 5 ngày. Sự thuận tiện cũng thu hút 554.000 người đóng thuế mới đăng ký trực tuyến.

Hay như ở Moldova, cũng từ một dự án sử dụng công nghệ thông tin thiết lập dựa trên nền tảng điện toán đám mây và các nền tảng chia sẻ (MCloud) cho các dịch vụ công của chính phủ, mỗi ngày, chính phủ nước này đã cung cấp thông tin của 480 dịch vụ công (thuế điện tử, cấp phép điện tử…) với hơn 1.500 người sử dụng.

Ông Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: BN

Phân tích thêm về lợi ích của dữ liệu mở, bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia cao cấp của WB, cho rằng dữ liệu mở không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, mà thực tế nền kinh tế cũng tăng trưởng rõ rệt. “Dữ liệu mở được thực hiện ở khu vực công, chính phủ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Ở các nước tiên phong như Mỹ, Anh, Úc, Đan Mạch đã cho thấy hàng trăm công ty mới thành lập và hàng ngàn việc làm mới được tạo ra. Hay như dữ liệu mở về thời tiết ở Mỹ, đã tạo ra hơn 400 công ty, sử dụng hơn 4.000 lao động; ở Anh, nhờ dữ liệu mở về giao thông, chỉ tính riêng năm 2012, từ việc thời gian tiết kiệm được cho hành khách đã đóng góp từ 15 – 58 triệu bảng”, bà Lan Hương đưa ra con số định lượng.

Việt Nam sẵn sàng, nhưng khó nhất là xây dựng cơ sở dữ liệu

Ông Mai Tiến Dũng, bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam, khẳng định: Chính phủ số hay sử dụng Dữ liệu mở được Chính phủ Việt Nam xác định “đây là cuộc cách mạng của Chính phủ trong vấn đề cải cách thủ tục hành chính”. Vì vậy, ngay sau khi Chính phủ được kiện toàn từ tháng 4.2016 và trong nhiệm kỳ mới khoá XIV, với quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Chính phủ đặc biệt quan tâm tới việc cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nhiều doanh nghiệp, đại diện các hiệp hội quan tâm đến chính phủ số và dữ liệu mở. Ảnh: BN

“Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng công khai minh bạch những gì có thể công khai – trừ tài liệu mật. Nhưng khó khăn nhất trong việc cung cấp Dữ liệu mở từ các cơ quan của chính phủ, là phải xây dựng được cơ sở dữ liệu đang có. Chúng tôi nhận thức được để xây dựng Chính phủ số sẽ phải tập trung xây dựng cổng dịch vụ công quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia. Phải tích hợp những kho tư liệu của các bộ ngành địa phương để có thông tin xây dựng kho dữ liệu mở”, ông Dũng nói, và bày tỏ mong muốn các chuyên gia sẽ giúp chỉ ra những khoảng cách về thể chế và công nghệ, nhằm hướng tới một nhà nước kiến tạo, hỗ trợ thực hiện cải tiến thủ tục hành chính và cải cách quản lý hành chính công, bằng việc sử dụng công nghệ số, cũng như những khuyến nghị về khung hành động xây dựng Chính phủ kiến tạo số ở Việt Nam giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn đến năm 2036.

Bà Alla Morrison, điều phối Chương trình dữ liệu sáng tạo WB cho biết, từ tuần tới, nhóm chuyên gia quốc tế của WB sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, trong đó có bộ Khoa học và công nghệ, Thông tin và truyền thông… cùng các cơ quan liên quan, để thu thập thông tin về hiện trạng và mức độ sẵn sàng của Việt Nam cho Dữ liệu mở và Chính phủ số trong hoạt động của Chính phủ.