Có lẽ, Bến Tre là tỉnh duy nhất trên cả nước, mà chương trình khởi nghiệp mang tên “Đồng khởi – Khởi nghiệp” được Tỉnh ủy phát động. Và hội nghị sơ kết ba năm thực hiện chương trình này, góp mặt tất cả thành viên lãnh đạo cao cấp từ tỉnh đến huyện đến xã, cùng với hầu hết các chuyên gia khởi nghiệp cả nước.

Chuyện 3 năm trước

Rời khỏi hội nghị có hơn 300 khách tham dự này, ấn tượng lớn nhất, là lời tâm tình của ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy: “Tôi cứ nghĩ hoài, sao Bến Tre nghèo hoài, sao chúng tôi cứ phải đi xin tiền hoài, sao người dân quê mình cứ phải xếp hàng nhận hỗ trợ hoài. Đi xin, đi nhận, cực và xấu hổ lắm chứ. Nên anh em chúng tôi bảo nhau, ráng làm khởi nghiệp, mà làm khởi nghiệp thoát nghèo đi, không phải đi xin đi nhận gì nữa. Tôi biết đây không phải là định nghĩa đúng của thế giới về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gì đâu, nhưng mà nó đúng với Bến Tre lắm, nên ráng làm…”.

Ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre phát biểu tại hội nghị sơ kết Đồng khởi Khởi nghiệp. Ảnh: BTC
Ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre phát biểu tại hội nghị sơ kết Đồng khởi Khởi nghiệp. Ảnh: BTC

Chân thành lắm, ông Hạo đứng nói, cầm theo bài báo thuở xưa bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao từng nói: “Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp với cách làm phong trào như bây giờ, là chuyện hoang đường”. “Hồi đó là hoang đường thiệt đó chị Hạnh, nhưng anh em chúng tôi lụi cụi làm, cũng không dám truyền thông gì hết, cái gì không biết thì đi học, đôn đốc nhau mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng. Chia nhau làm, làm và làm thôi. Giờ chị coi đó, cái hoang đường ngày xưa giờ cũng nên hình nên hài, dù chưa bằng ai, nhưng chúng tôi cũng đã tự vượt lên hơn bản thân mình rồi…”.

Ông bí thư tỉnh ủy nói thêm: “Đừng biến khởi nghiệp thành phong trào chính trị mà phải coi đây là sự sống còn của người dân Bến Tre. Cái khát vọng thoát nghèo, vươn lên, phải là một nguồn tài nguyên to lớn của chúng ta. Các bạn trẻ, cần có cam kết, với bản thân mình, với doanh nghiệp mình, với cộng đồng quanh mình để cái cứu cánh này sẽ làm nên một diện mạo Bến Tre mới…”. Ông nhớ rõ từng chuyện, nhỏ nhất, từng cuộc gặp, từng lời khuyên. Ông nhắc nhiều đến những “người ơn” đã chịu khó đi cùng Bến Tre từ những ngày đầu. Và, ông nói về người cộng sự của mình, phó bí thư thường trực Phan Văn Mãi: “anh em phải làm tiếp câu chuyện này, trường kỳ, nhé”.

Sau 3 năm phát động, chương trình “Đồng khởi - Khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp thoát nghèo” đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ 980 ý tưởng, dự án khởi nghiệp và đã trực tiếp hỗ trợ cho 369 ý tưởng, dự án tiến triển tốt. Hỗ trợ vốn 1.554 dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp với tổng kinh phí khoảng 1.761 tỉ đồng. Chương trình đã góp phần tích cực tạo việc làm, hỗ trợ mô hình và vốn giúp 8.408 hộ thoát nghèo, trong đó có 5.854 hộ thoát nghèo bền vững.

Và hai năm tới…

Ông Mãi, mà nói như cách bà Vũ Kim Hạnh đánh giá, “đã bắt đúng hết bệnh của các tồn đọng trong nền kinh tế của Bến Tre, giờ sử dụng khởi nghiệp để giải quyết”, kiệm lời, chỉ nói rất ngắn về những điều tỉnh đã làm được, và còn nhiều thách thức phía trước. Ông kiêm luôn chức danh Chủ tịch Hội đồng tư vấn khởi nghiệp tỉnh Bến Tre, cho biết sau 3 năm phát động chương trình “Đồng khởi Khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp thoát nghèo”, toàn tỉnh có 2.890 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc thành lập mới. Trong đó, có 1.602/2.500 doanh nghiệp được chuyển đổi loại hình từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Số ý tưởng, dự án khởi nghiệp là 980, trong khi ban đầu chỉ có 42 ý tưởng. Hỗ trợ vốn khởi nghiệp, mở rộng các nguồn từ tín dụng ngân hàng tăng theo từng năm, đã có 1.554 tỷ đồng trong 3 năm đưa vào các hộ kinh doanh mới thành lập, các DN vừa và nhỏ. Với quan điểm chưa trao vốn khi người khởi nghiệp chưa sẵn sàng nên tỉnh tập trung rất nhiều cho đào tạo, nỗ lực phối hợp với các viện, trường để tổ chức đào tạo cho người khởi nghiệp, DN khởi nghiệp...”.

Ông Trần Anh Thuy – Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Bến Tre cùng Võ Văn Phong – giải nhất cuộc thi khởi nghiệp Tài nguyên bản địa khai trương văn phòng công ty du lịch C2T – dự án đoạt giải. Ảnh: T.B
Ông Trần Anh Thuy – Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Bến Tre cùng Võ Văn Phong – giải nhất cuộc thi khởi nghiệp Tài nguyên bản địa khai trương văn phòng công ty du lịch C2T – dự án đoạt giải. Ảnh: T.B

Về nhiệm vụ cụ thể, ông Mãi cho hay, tỉnh Bến Tre có 5 hoạt động chính sẽ thực hiện trong thời gian tới, đó là đào tạo chuyên nghiệp, chuyên sâu, theo nhu cầu phát triển của chương trình; triển khai 3 chương trình ươm tạo, chương trình tăng tốc phát triển doanh nghiệp, kết nối các nhà sáng lập; ươm tạo lĩnh vực du lịch; củng cố nhà tư vấn khởi nghiệp, kết nối tìm thêm sự hỗ trợ của các đối tác; đồng thời đẩy mạnh truyền thông, mở ra cơ hội kết nối các nguồn lực từ bên ngoài.

Ông Nguyễn Trúc Sơn - Bí thư huyện ủy Thạnh Phú - cho biết, chương trình đạt được kết quả nói trên có phần góp sức của các huyện. Trong 3 năm qua, tại huyện Thạnh Phú tỉnh Bến Tre, số lượng DN, hộ cá thể đã tăng với cấp độ số nhân. Việc phát triển kinh tế chung cả tỉnh đã mang lại nhiều cơ hội cho DN, hộ kinh doanh, các hợp tác xã ra đời và thu hút sự quan tâm của người dân.

Ra về, ông Huỳnh Kỳ Trân, Chủ tịch Công ty Thorakao – nằm trong nhóm những doanh nghiệp thành công của cả nước, tự nhận trách nhiệm điều hành quỹ khởi nghiệp Bến tre, bắt tay và cười: “Cùng nhau làm thôi!”.