Tính đến tháng 3/2017, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao (thuộc Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM) đã thu hút, tiếp nhận và hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm công nghệ cao cho 41 dự án ươm tạo, với tổng doanh thu hàng năm đạt bình quân từ 15 - 20 tỷ đồng.

Các dự án khởi nghiệp đã thu hút và tạo việc làm mới cho hơn 300 lao động tay nghề cao (100% có trình độ từ đại học, cao đẳng trở lên). Các chương trình, cuộc thi dành cho cộng đồng khởi nghiệp do vườn ươm tổ chức đã thu hút sự quan tâm, tham dự của giới trẻ.

1_3

Trao đổi với Báo Khoa Học Phổ Thông, ông Lê Thành Nguyên, giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao cho biết, một trong những điểm cốt lõi mà vườn ươm mang lại cho các dự án ươm tạo, đó là giá trị thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, kết nối chuyên gia, quỹ đầu tư và tổ chức hoạt động nghiên cứu phát triển. Bên cạnh đó, với tính chất là các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, tất cả các doanh nghiệp khi tham gia ươm tạo tại vườn ươm đều tổ chức hoạt động R&D.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, vườn ươm cũng đã liên kết tổ chức các khóa đào tạo với chuyên đề về xây dựng kế hoạch kinh doanh, marketing, kỹ năng huy động vốn và tiếp cận nhà đầu tư, luật và sở hữu trí tuệ cho các dự án ươm tạo doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vườn ươm cũng đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp ươm tạo tham gia các hoạt động triển lãm công nghệ Việt Nam, giới thiệu sản phẩm, kết nối khách hàng tiềm năng cho các dự án ươm tạo. Thông qua hoạt động này, các dự án sẽ có cơ hội trình diễn công nghệ và kết nối với các đối tác khách hàng tiềm năng, tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Về hợp tác trong nước, vườn ươm đã ký kết và triển khai thỏa thuận với các đơn vị đối tác trong và ngoài nước trong nhiều lĩnh vực như đầu tư, tư vấn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo... Ngoài ra, vườn ươm cũng thường xuyên phối hợp với các trường đại học trên địa bàn thành phố tổ chức các hoạt động khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên, giảng viên.

Cho đến nay, vườn ươm còn nhận được sự hỗ trợ quý giá từ các tổ chức quốc tế như Infodev, BIPP của Chính phủ Bỉ, SWISS EP của Chính phủ Thụy Sĩ, Trường đại học Arizona (Mỹ)...
Cuối năm 2016, vườn ươm đã đưa vào hoạt động iHub (Coworking tại số 35 Nguyễn Thông) để các bạn khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đến nay, iHub đã trở thành một địa điểm thu hút rất đông đảo các nhóm khởi nghiệp đến sinh hoạt, gặp gỡ chuyên gia, kết nối đầu tư.

Trong 3 năm qua (2013 - 2016), vườn ươm cũng đã tổ chức nhiều cuộc thi khởi nghiệp như cuộc thi lập trình ứng dụng dưới sự tài trợ của Ngân hàng thế giới, Tổ chức UNICEF, Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc). Gần đây thì vườn ươm đã công bố cuộc thi IoT Startup lần 2 năm 2017 với quy mô mở rộng toàn quốc. Trước đó, năm 2016, cuộc thi IoT Startup cũng đã được tổ chức rất thành công, qua cuộc thi, dự án “Đèn đường thông minh S3” đã giành giải nhất cuộc thi sau khi vượt qua 71 dự án tham dự.

Sau khi đoạt giải, Công ty cổ phần công nghệ S3 đã phát triển hoàn thiện và công bố sản phẩm thương mại hóa chính thức cũng trong tháng 5 này. Theo chúng tôi đánh giá thì sản phẩm có các ứng dụng như tiết kiệm năng lượng điện năng tiêu thụ có tiềm năng rất lớn để tham gia đề án “Thành phố thông minh” sắp tới.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển thuận lợi hơn, ông Lê Thanh Nguyên kiến nghị thành phố cần có cơ chế ưu tiên cho các doanh nghiệp khởi nghiệp được tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khu vực công nhằm tạo điều kiện có nguồn thu thúc đẩy nghiên cứu, cải tiến và phát triển sản phẩm mới, cũng như tạo uy tín ban đầu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Hoạt động truyền thông, tiếp thị sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp khởi nghiệp chắc chắn cũng có nhiều khó khăn trong thời gian ban đầu nên rất cần có được sự quan tâm, hỗ trợ từ các kênh truyền thông (đài truyền hình, cơ quan báo chí) dành khung thời gian riêng, trang nội dung thông tin để hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp khởi nghiệp cho cộng đồng.