Sáng 28/3, hoạt động lớn nhất trong chuỗi sự kiện liên quan đến chính sách nông nghiệp trong năm 2017 diễn ra tại Hà Nội, thu hút nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước tham gia thảo luận về các vấn đề chính sách quan trọng của ngành nông nghiệp hiện nay.

Nền nông nghiệp Việt Nam đang chứng kiến những dấu hiệu thay đổi tích cực nhưng tốc độ tăng trưởng đối mặt nhiều thách thức do thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế gay gắt. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, để tạo động lực cho sự phát triển của nền nông nghiệp, cần phải tháo gỡ nút thắt về thể chế, gồm cả chính thức (chính sách, pháp luật) lẫn phi chính thức (các tập quán, hoạt động của các hội, hiệp hội…).

Tiến sĩ Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) tại Diễn đàn Nông nghiệp mùa xuân 2017. Ảnh: Đức Anh

Tại Diễn đàn Nông nghiệp mùa xuân 2017, các chuyên gia, nhà quản lý cũng chia sẻ quan điểm trên. “Chúng ta đã chứng kiến một sự thay đổi rõ rệt trong suy nghĩ của các nhà làm chính sách và các nhà đầu tư về nông nghiệp trong vài năm qua. Trước đây, nền nông nghiệp chưa được chú trọng trong cách tiếp cận phát triển của Việt Nam, thì nay cả chính phủ lẫn doanh nghiệp đều cho rằng nông nghiệp là ưu tiên chiến lược, là lợi thế cạnh tranh của cả nước”, Tiến sĩ Andrew Wells-Dang, chuyên gia cao cấp của tổ chức Oxfam Việt Nam, chia sẻ.

Bày tỏ sự lạc quan nhưng Tiến sĩ Andrew cũng lo ngại nếu tinh thần công nghiệp hóa nền nông nghiệp được thực hiện một cách cực đoan có thể đẩy những hộ sản xuất nhỏ lẻ thành người làm thuê trên chính mảnh đất của mình. Giải pháp theo ông là làm sao lựa chọn những chính sách nông nghiệp lấy người dân làm trung tâm, cũng như những chính sách bền vững nhằm giúp giảm bất bình đẳng xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh lương thực.

Tiến sĩ Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), ngoài việc nêu bật bức tranh thay đổi trong chính sách nông nghiệp tại Việt Nam còn chỉ ra nhiều thách thức khá chi tiết trong sự phát triển của ngành hiện nay. Một trong những vấn đề cụ thể theo ông là những khó khăn liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong nông nghiệp, đặc biệt là việc quản lý và phát triển các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận hiện còn loay hoay, chưa phát huy được nhiều hiệu quả của các loại hình sở hữu trí tuệ này.

Ngoài ra, các chuyên gia và nhà quản lý còn đưa ra hàng loạt đề xuất giải pháp cụ thể nhằm kiện toàn thể chế, hướng tới nền nông nghiệp Việt Nam bền vững và có trách nhiệm như nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa cho các hộ nông dân, hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển liên kết sản xuất trong nông nghiệp, chủ động hội nhập quốc tế mở rộng thị trường, định vị lại sản phẩm nông nghiệp, đầu tư cho hệ thống đổi mới sáng tạo và dịch vụ công trong nông nghiệp…

Ngoài các vấn đề chung, những thể chế, chính sách cụ thể cho những ngành đóng vai trò hàng đầu của nền nông nghiệp Việt Nam như lúa gạo, thủy sản, chè cũng được các chuyên gia, nhà quản lý mổ xẻ, phân tích và đưa ra các giải pháp chi tiết trong khuôn khổ Diễn đàn Nông nghiệp mùa xuân, nhằm hướng tới sự phát triển ổn định.