Năm 2019, trường ĐH Bách khoa Hà Nội lần đầu tuyển sinh ngành học mới về dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, thu hút sự chú ý của hàng ngàn sinh viên.

Trí tuệ nhân tạo ngày càng có nhiều ứng dụng trong đời sống
Trí tuệ nhân tạo ngày càng có nhiều ứng dụng trong đời sống

Ngành học đắt giá

Chương trình tiên tiến Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo (Data Science and AI) của trường ĐH Bách khoa Hà Nội kéo dài 5 năm, được thiết kế, giảng dạy bởi các giáo sư hàng đầu trong nước và quốc tế, 100% môn học được dạy bằng Tiếng Anh, nhiều thời lượng thực tập tại phòng Lab, doanh nghiệp và triển vọng nghề nghiệp đầu ra được đánh giá cực kì tiềm năng.

“Mặc dù chỉ có 40 chỉ tiêu nhưng hiện nay trường đã có trên 900 hồ sơ, trong đó có những hồ sơ thuộc dạng tuyển thẳng, gửi về và điểm đầu vào cõ lẽ sẽ ở mức 27-28 điểm”, PGS.TS Tạ Hải Tùng - Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, ĐH Bách khoa Hà Nội, chia sẻ trong buổi họp báo "Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2019" tại Hà Nội ngày 31/7.

Ở khu vực phía Bắc, ngành đào tạo trên mới chỉ có ở bậc thạc sĩ tại hai trường ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Khoa học Tự nhiên.

Được biết, một số tập đoàn lớn từ Phần Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang có kế hoạch hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực về trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam để phục vụ cho doanh nghiệp tại nước họ.

Chuẩn hóa thuật ngữ và định hướng ngành học

"Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo" là ngành học mới được tách ra từ ngành Khoa học Máy tính trước đây, để đáp ứng những nhu cầu mới do sự bùng nổ Internet và các hệ thống thu thập dữ liệu tạo ra những kho dữ liệu khổng lồ (Big Data), cũng như xu hướng phát triển của thế giới về trí tuệ nhân tạo (AI) trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Từ năm 2019, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã không còn tuyển sinh ngành học CNTT, thay vào đó là 3 ngành riêng biệt Khoa học Máy tính (Computer Science), Kỹ thuật Máy tính (Computer Engineering), và Khoa học Dữ liệu (Data Science).

Theo đó, Khoa học máy tính sẽ chuyên sâu về công nghệ phần mềm và hệ thống thông tin. Người học sẽ giải quyết các vấn đề cơ bản về máy tính như toán rời rạc, giải thuật, cấu trúc dữ liệu, lập trình, cơ sở dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, trí tuệ nhân tạo…

Kỹ thuật Máy tính là ngành học có thể coi như lai giữa ngành Khoa học Máy tính và ngành Kỹ thuật Điện-Điện tử. Ngành học này hướng tới việc phát triển các hệ thống tính toán tích hợp tối ưu giữa phần cứng và phần mềm như hệ nhúng và IoT, mạng máy tính, an toàn – an ninh thông tin…

Khoa học Dữ liệu là tổng hòa của ngành toán (đặc biệt: xác suất, thống kê), khoa học máy tính (đặc biệt: học máy, khai phá dữ liệu, trí tuệ nhân tạo) và kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ của một số lĩnh vực (ví dụ: quy hoạch đô thị, tài chính, ngân hàng, phân tích thị trường...)

Mặc dù nội dung các ngành học không quá thay đổi so với trước, nhưng theo nhận định của đại diện nhà trường trên trang thông tin cho sinh viên thì đặt tên ngành chuẩn để sau này sinh viên dễ dàng liên thông ra nước ngoài, dễ dàng làm việc với thị trường lao động nước ngoài.

Tại Việt Nam, thuật ngữ CNTT đã trở nên quá phổ biến và được người dùng phổ thông đánh đồng với mọi hoạt động liên quan đến máy tính, trong khi trên thế giới, nhiều trường đại học lớn không hề có ngành CNTT mà chỉ có ngành Khoa học máy tính và các doanh nghiệp quốc tế thường xem CNTT là nghề mang tính kỹ thuật viên (cài đặt, vận hành và quản trị) nhiều hơn là việc xây dựng, thiết lập nên sản phẩm.