Lý giải việc đa số doanh nghiệp dệt - may Việt Nam kiếm tiền bằng gia công thay vì bán sản phẩm dưới thương hiệu của mình, đại diện Công ty May 10 cho rằng thiếu vốn không phải lý do chính, bởi yếu tố quan trọng nhất thuộc về câu chuyện đổi mới - sáng tạo.

Con mình sinh ra mang họ người khác

Thống kê của Hiệp hội Dệt - May Việt Nam cho thấy, trong toàn bộ đơn hàng dệt - may ở Việt Nam, phương thức gia công chiếm tới 70%, các trường hợp tự chủ nguyên phụ liệu chiếm 20%, chỉ 9% tự thiết kế, sản xuất và 1% làm tất cả các khâu sản xuất ra thành phẩm và tự phân phối. Như vậy, sản phẩm của phần lớn các công ty không được dán nhãn mác của họ khi ra thị trường.

Nhiều người nói rằng, doanh nghiệp may Việt Nam hiện nay chẳng khác gì thân phận người đàn bà làm dịch vụ đẻ thuê hay mang thai hộ, chấp nhận con mình sinh ra được khai sinh theo họ người khác. Điều này đẩy họ vào thế thụ động và sẽ phải cạnh tranh khốc liệt nếu tương lai xuất hiện những thị trường nhân công giá rẻ hơn Việt Nam. Thế nhưng với đa số doanh nghiệp vốn ở quy mô vừa và nhỏ, xây dựng thương hiệu riêng có vẻ là chuyện không tưởng.

Hệ thống dây chuyền treo cải tiến giúp tăng hiệu suất lao động của Công ty May 10. Ảnh: Loan Lê
Hệ thống dây chuyền treo cải tiến giúp tăng hiệu suất lao động của Công ty May 10. Ảnh: Loan Lê

Ông Phí Ngọc Trịnh - Phó Tổng giám đốc Công ty may Hồ Gươm - khẳng định luôn là trong tương lai gần, công ty ông không có chiến lược xây dựng thương hiệu bởi đã mấy lần thất bại. Việc xây dựng thương hiệu đòi hỏi tiềm lực lớn về kinh tế, lại phải cạnh tranh khốc liệt với hàng nhái, hàng Trung Quốc và chịu sức ép từ chính các thương hiệu của doanh nghiệp cùng ngành.

Ông Trịnh cho biết, May Hồ Gươm từng thuê mặt bằng tại Trung tâm thương mại BigC để bán hàng mang nhãn của mình với giá 60 triệu đồng/tháng nhưng doanh số chỉ đạt 80 triệu đồng, nếu trả xong lương nhân viên và các chi phí khác thì “chẳng khác gì mang hàng đi cho”. Hiện công ty hoàn toàn gia công để xuất khẩu, chủ yếu xuất đi châu Âu và Mỹ.

Đại diện một doanh nghiệp giấu tên cho biết, nếu xuất khẩu bằng thương hiệu của chính mình, giá trị thu về vô cùng thấp, bởi quần áo là mặt hàng thời trang, khách chọn mua theo nhãn mác. “Nếu dùng thương hiệu của mình thì không bán được, lấy gì nuôi công nhân và hệ thống sản xuất?” - vị doanh nhân nói.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Hoàn - Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông Công ty May 10, tiền không phải là nguyên nhân quan trọng duy nhất dẫn đến thất bại của các doanh nghiệp Việt Nam trong vấn đề xây dựng thương hiệu: “Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chọn hình thức may gia công và xuất thô bởi không có phương pháp chào hàng và hạn chế ở khả năng thiết kế”. Rõ ràng đây là một câu chuyện khác, liên quan đến vấn đề đổi mới - sáng tạo, sản xuất và kinh doanh một cách khoa học.

Làm gì để thành công?

Khó khăn như vậy, đâu là lý do một số doanh nghiệp may mặc Việt Nam vẫn thành công trong việc khẳng định nhãn hiệu của mình, như Việt Tiến, Canifa, An Phước…? Không chỉ có khả năng chi tiền, họ đều biết áp dụng toàn diện những giải pháp sáng tạo để tối ưu hóa sản xuất và kinh doanh.

Máy tính tự động tại Công ty May 10. Ảnh: Loan Lê
Máy đính tự động tại Công ty May 10. Ảnh: Loan Lê

Chẳng hạn, Công ty May 10 - ngoài việc lập hẳn xưởng nghiên cứu và phát triển - còn chú trọng quảng bá thương hiệu bằng nhiều kênh: 200 cửa hàng đại lý khắp các tỉnh, thành, báo, đài, mạng xã hội, phát triển hệ thống khách hàng thân thiết qua tin nhắn điện thoại… Việc dùng phần mềm tính toán, đưa ra quy trình thao tác chuẩn cho công nhân giúp giảm định mức thời gian sản xuất từ 2.400 giây/sản phẩm xuống còn 600 giây/sản phẩm.

Bà Đào Thị Hường - Trưởng phòng Nghiên cứu và Tổ chức sản xuất Công ty May 10 - cho biết, khác với đa số doanh nghiệp dệt - may chỉ tận dụng lợi thế nhân công rẻ, May 10 đầu tư mạnh về công nghệ để tăng hiệu suất lao động trong hoàn cảnh tay nghề công nhân chưa cao. Chẳng hạn, từ lâu công ty đã trang bị máy lập trình bán tự động, máy thùa đính tự động. Thay vì cần 5 người cho khâu thùa, đính, nay một công nhân có thể cùng lúc điều khiển 3 máy thùa, 2 máy đính.

Các thiết bị, công nghệ hiện đại cũng được công ty cải tiến một cách sáng tạo để phù hợp với hoạt động của mình. Chẳng hạn, hệ thống chuyền treo mới tuy công nghệ cao nhưng lại làm giảm hiệu suất lao động đối với những đơn hàng nhỏ do phải đánh chỉ nhiều, có thể đầu dây chuyền đã hết chỉ trong khi cuối dây chuyền còn thừa, công nhân tốn thời gian chạy đến cuối chuyền lấy chỉ.

Để tận dụng hết hiệu suất của máy, công ty đã nghiên cứu cải tiến hệ thống chuyền treo để có thể cùng lúc thực hiện công việc trên cả 2 mã hàng khác nhau. Nhờ đó, mỗi dây chuyền có thể sản xuất hơn 4.000 sản phẩm mỗi ngày, thay vì chỉ trên dưới 2.000 sản phẩm như trước đây.
Nhà thiết kế thời trang Vũ Trần Đức Hải cho biết, các công ty may mặc sở hữu thương hiệu mạnh ở Việt Nam hiện nay đều hội tụ được đội ngũ tạo mẫu tốt trong hoàn cảnh rất ít nhà thiết kế Việt có khả năng tạo mẫu để sản xuất số lượng lớn.

Ngoài năng lực sáng tạo và nắm bắt xu hướng thời trang thế giới, các nhà thiết kế còn phải biết được nhu cầu, thị hiếu của người Việt Nam trong từng thời điểm ngắn, để đảm bảo các mẫu quần áo làm ra được nhiều người thích. Với yêu cầu liên tục cho ra đời mẫu mới theo tốc độ rất cao, đây là điều hiện rất ít nhà thiết kế thời trang Việt Nam làm được.

“Chỉ với thiết kế đã khó khăn như vậy, cộng thêm nhiều yếu tố khác, cũng dễ hiểu khi chỉ có vài doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thành công thương hiệu riêng” - ông Hải nói.