Không chỉ khẳng định quyết tâm chính trị cao nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự khởi sắc của cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại Việt Nam, Bộ KH&CN còn đề xuất hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp APEC.

Sáng 7/11, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2017 (VBS) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức đã khai mạc tại Trung tâm hội nghị Ariyana, Đà Nẵng, với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đang diễn ra tại thành phố Đà Nẵng.

Tại phiên 3 các hội thảo chuyên đề, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã có bài tham luận tại nhóm Khởi nghiệp và ĐMST, với ba nội dung chính:

Không hỗ trợ chung chung mang tính phong trào

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, bối cảnh tự do hóa thương mại, cạnh tranh toàn cầu khốc liệt như hiện nay, cộng thêm tác động tất yếu của làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng đổi mới và có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2016, Việt Nam có 110.000 doanh nghiệp được thành lập mới, kéo theo quy mô vốn tăng 48%. Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2017, lại có thêm 105.000 doanh nghiệp được thành lập. Việt Nam đặt mục tiêu, đến năm 2020 sẽ có 1 triệu doanh nghiệp đủ năng lực cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu Việt với chất lượng và độ tinh xảo cao; chiếm lĩnh được thị trường trong nước và vươn ra thị trường khu vực, thậm chí toàn cầu.

 Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trình bày tham luận tại phiên 3 các hội thảo chuyên đề của Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2017. Ảnh: Lê Tuyết
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trình bày tham luận tại phiên 3 các hội thảo chuyên đề của Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2017. Ảnh: Lê Tuyết

Để đạt mục tiêu này, yêu cầu được đặt ra đối với chính sách khởi nghiệp ĐMST là không đầu tư dàn trải, không hỗ trợ chung chung mang tính phong trào mà tập trung cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST có tiềm năng tăng trưởng cao trong một số lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế hoặc phát triển sản phẩm, dịch vụ mang thế mạnh riêng có của vùng, miền, quốc gia.

Vai trò đầu tư và thiết kế chính sách của Nhà nước

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định vai trò quan trọng của Nhà nước trong việc đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST như: Đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và một phần của hoạt động sản xuất thử nghiệm. Cũng không thể bỏ qua việc tạo môi trường thuận lợi: Các chính sách ưu đãi thuế, nới lỏng thủ tục hành chính, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, để hiện thực hóa điều này, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025 (đề án 844) và giao cho Bộ KH&CN chủ trì. Với sự quyết tâm chính trị cao nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự khởi sắc của cộng đồng khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam, đề án được xây dựng trên quan điểm chính sách vĩ mô cần tác động toàn diện tới các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, ngoài yếu tố mang tính kiến tạo, tiền đề của Nhà nước, việc đưa các kết quả nghiên cứu ra thị trường cần sự đầu tư có trách nhiệm của các lực lượng xã hội, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần, trong đó các doanh nghiệp lớn đóng vai trò quan trọng. Cần cơ chế hợp tác công - tư thực sự hiệu quả để huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nguồn, khởi nghiệp sáng tạo.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia như một nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vào sự gia tăng tài sản trí tuệ và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Bộ trưởng lưu ý, để bắt kịp xu hướng phát triển, các trường đại học Việt Nam cần tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao công nghệ; hình thành các vườn ươm, đơn vị thúc đẩy kinh doanh; dành không gian thích đáng cho hoạt động ươm tạo công nghệ, xưởng thiết kế chế tạo của sinh viên; hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên năm cuối và cựu sinh viên.

Thêm vào đó, văn hóa ĐMST cần được hình thành và nuôi dưỡng từ trong nhà trường, gia đình và xã hội. “Gia đình và xã hội cổ súy cho người trẻ dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn và theo đuổi các giấc mơ nghề nghiệp lớn. Cần nuôi dưỡng văn hóa dám đương đầu với rủi ro, thách thức và bao dung với sự thất bại như một bước đệm tất yếu dẫn tới thành công” - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.

Hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp APEC

Không chỉ nhấn mạnh quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ sự khởi sắc của cộng đồng khởi nghiệp ĐMST trong nước, Bộ trưởng còn đề xuất sự kết nối ở tầm khu vực và toàn cầu giữa hệ sinh thái khởi nghiệp của các quốc gia, nhằm tạo ra tiền đề thuận lợi cho sự hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp APEC.

Để việc kết nối này có hiệu quả, Bộ trưởng nêu kiến nghị của Bộ KHCN: Thiết lập và vận hành một nền tảng trực tuyến kỹ thuật số để kết nối các hệ sinh thái khởi nghiệp của các quốc gia thanh viên APEC; hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc chương trình hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST đến từ các nền kinh tế thành viên APEC; tổ chức các chương trình tăng tốc đào tạo, huấn luyện kỹ năng khởi nghiệp dành cho các nhóm khởi nghiệp ĐMST của các nền kinh tế thành viên APEC; có cơ chế ưu tiên, ưu đãi cho các nhóm khởi nghiệp đến từ các nền kinh tế chậm phát triển hơn trong khối; định kỳ tổ chức các sự kiện ngày hội kết nối cộng đồng khởi nghiệp APEC; tổ chức các chương trình tăng tốc đào tạo, huấn luyện kỹ năng khởi nghiệp dành cho các nhóm khởi nghiệp sáng tạo của các nền kinh tế thành viên APEC; có cơ chế ưu tiên, ưu đãi cho các nhóm khởi nghiệp đến từ các nền kinh tế chậm phát triển hơn trong khối.