Ý kiến này được nêu tại hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng 25/7.
Nhiều nguy cơ
Thạch Khê là mỏ sắt lớn nhất ở Đông Nam Á với trữ lượng 500 triệu tấn, giá trị khoảng 35 tỷ USD. Sau 8 năm tạm dừng khai thác (từ năm 2008), Công ty cổ phần sắt Thạch Khê đã trình Thủ tướng Chính phủ xin tiếp tục khai thác mỏ này. Các nhà khoa học thì cho rằng, việc khai thác mỏ sắt có tiềm năng kinh tế lớn này là cần thiết.
Tuy nhiên, với nguyên tắc không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế trước mắt, cần có câu trả lời thỏa đáng cho các câu hỏi: Bao giờ khai thác? Khai thác bằng công nghệ nào? Ai là người khai thác?
Giáo sư - tiến sỹ (GS-TS) Vũ Trọng Hồng - Đại học Thủy Lợi - nói: “Nơi khai thác quặng có địa chất rất xấu, là vùng đồi cát giao nhau giữa bờ biển với dãy núi cao đang bò dần về hướng biển. Sự hình thành vỉa quặng bởi trầm tích cửa sông ven biển cho thấy biển đã tiến vào vùng này từ xa xưa. Liệu có sự thống nhất giữa đáy mỏ với biển không? Câu hỏi này vẫn chưa có lời đáp. Nếu có thì khi sóng thần tiến vào, đáy mỏ sẽ biến thành vòi phun nước khổng lồ”.
Phó Giáo sư - tiến sỹ Lê Văn Cương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Ngọc Vũ
GS-TSKH Đặng Trung Thuận - Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam - lo ngại: “Quặng ở Thạch Khê thuộc loại quặng biến chất tiếp xúc trao đổi - skarn, có hình thù phức tạp, rất khó khai thác ở độ sâu 500m. Đá vây quanh quặng là đá cacbonat, có thể hình thành hang skarn chứa nước, khi bị tác động có thể gây tai nạn do bục nước”.
Ở góc độ dân sinh, PGS-TS Lưu Đức Hải - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam - lo lắng về sự suy thoái nguồn nước ngầm khu vực: “Trên bình đồ cấu trúc mỏ Thạch Khê, phần trên thân quặng chủ yếu là trầm tích cát và đất sét có khả năng chứa nước, tạo thành các thấu kính nước ngọt có nguồn gốc nước mưa, liên thông với nước mặt của sông Thạch Đồng và nước biển. Việc khai thác, nếu không có biện pháp ngăn chặn sẽ gây suy giảm, thậm chí mất nước ở khu vực quanh bán đảo Thạch Khê, dẫn đến sự xâm nhập của nước biển làm nhiễm mặn nước ngầm”.
Đồng tình với ý kiến này, GS Thuận khẳng định: “Khi bơm hút tháo khô mỏ, mực nước ngầm trong cồn cát bị hạ thấp, nước biển xâm nhập, dần thay thế khối nước ngọt trong đất cồn cát. Đất đai ở đây sẽ dần bị nhiễm mặn, thảm thực vật sẽ lụi tàn dần. Hệ sinh thái trên cồn cát - vốn rất mong manh nhưng giữ vai trò quan trọng trong việc chống hiện tượng cát bay, cát chảy - sẽ mất đi và cồn cát ven biển Thạch Hà sẽ trở thành vùng sa mạc hóa thực sự”.
Nên tạm dừng dự án
GS Thuận đưa ra 3 phương án cho mỏ sắt Thạch Khê: “Một là nối lại hoạt động khai thác, chấp nhận các rủi ro. Hai là chấm dứt khai thác, chịu mất phần vốn đầu tư đã bỏ ra. Ba là tạm dừng hoạt động của dự án”.
Theo ông, phương án thứ ba - dừng dự án cho đến khi có cách xử lý tốt nhất các vấn đề môi trường (tự nhiên và xã hội), khắc phục các khó khăn về kỹ thuật và công nghệ - là lựa chọn tốt nhất hiện nay. Cách này tuy không tránh khỏi thiệt hại về kinh tế nhưng nhìn chung cả 52 năm thực hiện dự án, doanh nghiệp và xã hội sẽ giảm được rủi ro, tổn thất. Dự án chỉ đem lại lợi ích thực sự khi hội tụ đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an - cho rằng, lợi ích môi trường là tối thượng và việc dừng dự án thêm 6 tháng hay 1 năm không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế - xã hội. Theo ông, cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, chủ đầu tư và các nhà khoa học cần thẩm định kỹ một lần nữa trước khi tiếp tục triển khai dự án.
“Đến giờ phút này, vẫn chưa có đánh giá đầy đủ tác động môi trường của dự án Thạch Khê. Chúng ta đã có bài học Formosa trước mắt. Vì thế, tôi cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần cam kết với Thủ tướng về những đánh giá này để đảm bảo không có bất cứ sự cố nào nữa” - PGS Cương nói.