Báo Diễn đàn doanh nghiệp (DĐDN) vừa có buổi tọa đàm trực tuyến: “Các giải pháp giúp doanh nghiệp dệt may hưởng lợi lớn nhất từ TPP” cùng các chuyên gia hàng đầu trong ngành dệt may. Được sự đồng ý của Báo DĐDN, chúng tôi xin lược đăng nội dung buổi tọa đàm này.

Để ngành dệt - may Việt Nam “cất cánh”, cần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia. Ảnh: Loan Lê
Để ngành dệt - may Việt Nam “cất cánh”, cần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia. Ảnh: Loan Lê

Theo đánh giá của các chuyên gia, dệt - may Việt Nam là một trong những ngành hưởng lợi nhiều nhất từ TPP nhờ được hưởng mức thuế xuất sang Mỹ giảm xuống gần 0% - từ mức 17% như hiện nay.

Cái khó của ngành hiện nay là phần nguyên phụ liệu, với 70% là hàng nhập khẩu, trong đó đa phần nhập từ những nước chưa ký kết TPP (Trung Quốc…). Trong khi đó, một sản phẩm dệt - may muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo TPP thì tất cả các nguyên liệu, bắt đầu từ sợi trở đi - phải được sản xuất tại các nước tham gia TPP.

“Muốn hưởng lợi lớn nhất từ TPP thì từng cấp DN, hiệp hội phải tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, quốc gia. Hiệp hội phải làm thế nào để hiểu được nội dung của TPP, sau đó phải biết chúng ta đang có lợi thế gì? Cơ hội thách thức ra sao, điểm mạnh, yếu để đưa ra các giải pháp phù hợp” - ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt - May Việt Nam nói.

Theo ông Cẩm, với tình trạng gia công xuất khẩu là chính (chủ yếu ở công đoạn cắt may), Việt Nam đang nằm ở phân đoạn có giá trị gia tăng thấp nhất ở chuỗi cung ứng. Cần xây dựng thương hiệu lớn, điều không thể đi tắt mà phải làm từng bước. “Các doanh nghiệp cần tập trung vào lĩnh vực làm tốt để mở rộng đầu tư máy móc, con người. Không nên đi tắt đón đầu vì sẽ thất bại” - ông Cầm nói thêm.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên - hiến kế: “Để tận dụng khả năng tối đa khi vào TPP, các doanh nghiệp nên: Thứ nhất: Khai thác những gì mà ta tự có. Thứ hai: Chuẩn bị các nguồn nguyên liệu nội khối mà chúng ta hiện chỉ có 10%. Thứ ba: Vấn đề nội khối, chúng ta chỉ mới lôi kéo được Ấn Độ. Về phía Nhà nước, trong vòng vài năm tới chúng ta phải cải cách các chế độ hành chính để phù hợp với các nước TPP”.

“Chúng ta mới chỉ bàn những người khác cho ta. Hiện cần phải hỏi chúng ta làm được gì? Làm gia công có sống được không? Nếu chúng ta làm được một cái gì đó tốt thì chúng ta vẫn có thể sống tốt. Lợi nhuận chúng tôi đạt được trên 300 tỷ đồng. Năm vừa rồi chúng tôi đã đạt được kim ngạch xuất khẩu là 5 triệu USD. Nếu chúng ta làm tốt công đoạn nào đó thì chúng ta vẫn có thể sống tốt. Nếu chúng ta không làm được tất cả các công đoạn thì chúng ta nên làm tốt một công đoạn thì chúng ta vẫn có thể sống tốt” - ông Dương nói thêm.