Bà Nguyễn Thị Minh Hải - Phó Giám đốc Công ty cổ phần FOCOCEV Bình Phước, nơi đang dùng dây chuyền vắt - sấy bã sắn do Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch chế tạo - cho biết dây chuyền giúp giảm 50% giá thành sản xuất.


Dây chuyền máy vắt - sấy bã sắn (khoai mì) năng suất 1 tấn/h vừa được TS Lâm Trần Vũ - Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch - giới thiệu tại Hội thảo Khai thác và Thương mại hóa sáng chế trong lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch do Viện Nghiên cứu Sáng chế và Khai thác Công nghệ (Niptex) phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam và Báo Khoa học và Phát triển tổ chức tại TPHCM.

Theo TS Lâm Trần Vũ, dây chuyền này gồm một máy vắt bã sắn (VBS16) và một hệ thống máy sấy khí động kép năng suất 1 tấn/h (SKĐTST-1). Máy VBS16 có năng suất 12-14 tấn củ/h, vắt bã sắn từ độ ẩm 86-90% xuống còn 60%, công suất điện 5,5 KW. Máy SKĐTST-1 thuộc kiểu sấy khí động tháp sấy thấp, sấy kép, giúp giảm độ ẩm của bã sắn từ 60% xuống còn 15%. Máy cao 10m,có năng suất 1 tấn/h, công suất điện 100 KW, diện tích lắp máy 200m2.

Với công suất trên, dây chuyền phù hợp với nhà máy có công suất chế biến 80 tấn bột/ngày.

Máy vắt bã sắn (khoai mì) do Phân Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch chế tạo
Máy vắt bã sắn do Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch chế tạo.

Dây chuyền được nghiên cứu và phát triển từ tháng 3/2016 đến tháng 3/2017. Tổng kinh phí của dự án này lên tới 5 tỷ đồng, trong đó Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM hỗ trợ 30%, tương đương với 1,3 tỷ đồng. Hiện dây chuyền được ứng dụng tại Công ty cổ phần FOCOCEV Bình Phước (xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng).

Theo TS Lâm Trần Vũ, ưu điểm lớn nhất của dây chuyền này là: Máy sấy khí động tháp sấy thấp nhỏ gọn hơn rất nhiều so hệ thống sấy cũ, chỉ chiếm diện tích 200m2 và cao 10m, trong khi hệ thống máy cũ chiếm khoảng 800m2, cao tới 30m. Vì nhỏ gọn hơn nên chi phí đầu tư cho nhà xưởng giảm, không cần một lượng lớn thép hình để làm khung đỡ tháp sấy.

Máy sấy bã sắn trong dây chuyền vắt - sấy năng suất 1 tấn/ giờ do Phân viện thiết kế và chế tạo
Máy sấy bã sắn trong dây chuyền.

Ngoài ra, việc không cần máy sấy thùng quay giúp giảm chi phí đầu tư và tiết kiệm biogas. So sánh với hệ thống sấy cũ cùng công suất, máy sấy khí động tháp sấy thấp giảm chi phí đầu tư cho nhà còn 1/3, tiết kiệm chi phí vận chuyển, lắp đặt và sửa chữa.

Bà Nguyễn Thị Minh Hải – Phó Giám đốc Công ty cổ phần FOCOCEV Bình Phước - cho biết việc sử dụng dây chuyền này giúp công ty giảm 5 lần chi phí nhân công. Ngoài ra, với dây chuyền sản xuất cũ, chi phí cho 1kg bã là 1.000 đồng, cao gấp đôi chi phí khi dùng dây chuyền mới.

Đánh giá tiềm năng ứng dụng của dây chuyền này trên thị trường, TS Lâm Trần Vũ cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 100 nhà máy chế biến tinh bột sắn, công suất trung bình 80-250 tấn bột/ngày, bã sắn khô chiếm 8% lượng củ đưa vào chế biến.

Nhà máy công suất 100 tấn bột/ngày chế biến 400 tấn củ/ngày, tạo 32 tấn bã khô có độ ẩm 15%, nếu tính lãi 1.000 đồng/kg bã khô thì nhà máy lãi 32 triệu đồng/ngày. Song lãi lớn hơn là nhà máy không phải dừng sản xuất vì bị áp lực ô nhiễm môi trường. Theo nhận xét của các chủ nhà máy chế biến tinh bột sắn, với lãi suất trên, lợi nhuận từ bã khô cao hơn chế biến tinh bột.

Giá bán của dây chuyền là 2 tỷ đồng. "Hiện có nhiều nhà máy công suất 150-250 tấn/ngày cần mô hình 2 tấn/h. Chúng tôi đang đề nghị phát triển thêm dự án chế tạo mô hình đáp ứng công suất này thông qua chương trình Đổi mới công nghệ của nhà nước" - TS Vũ nói.