Công nghệ vũ trụ đang trở nên gần gũi với người dân hơn bao giờ hết khi giúp cho đời sống của họ mỗi ngày một tiện nghi hơn với các dịch vụ tuyệt vời về Internet, truyền hình, thông tin di động…

Lĩnh vực đào tạo, y tế từ xa, truyền tin cho ngư dân trên biển và dự báo thời tiết… cũng phát triển rộng.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân trăn trở về nguồn nhân lực cho CNVT. Ảnh: Loan Lê
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân trăn trở về nguồn nhân lực cho CNVT. Ảnh: Loan Lê

Dẫn đường, dự báo báo lũ

Đã hơn 10 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Phát triển công nghệ vũ trụ (CNVT) tới năm 2020, Việt Nam đã phóng thành công hai vệ tinh viễn thông Vinasat-1, Vinasat-2 và một vệ tinh viễn thám VNRDESat-1. Nhiều dự án vệ tinh khác đang tiếp tục được triển khai.

Vệ tinh Vinasat -1 phóng thành công đã phủ sóng toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và cả ở Nhật Bản, miền đông Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên, Ấn Độ, các nước Đông Nam Á, Úc, biển Đông và một phần Myanmar. Vinasat -1 cung cấp dịch vụ đường truyền vệ tinh và phát triển các dịch vụ ứng dụng như dịch vụ thoại, truyền hình, thông tin di động, truyền số liệu, Internet, các dịch vụ đào tạo và y tế từ xa, truyền tin cho ngư dân trên biển, dự báo thời tiết, đảm bảo an ninh quốc phòng...

Đặc biệt khi có vệ tinh viễn thông, công việc truyền hình trực tiếp nhiều sự kiện ở bất kỳ đâu trong tầm hoạt động của Vinasat -1 đều trở nên dễ dàng hơn. Việc đào tạo, chữa bệnh từ xa cũng được thuận tiện nhờ vệ tinh Vinasat -1.

Chủ tịch Uỷ ban Vũ trụ Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân - nhận định: “CNVT tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của mọi người dân như ứng dụng GPS trong dẫn đường hoặc công nghệ phân tích ảnh vệ tinh để dự báo thiên tai lũ lụt, biến đổi khi hậu; đồng thời có tác động tích cực đối với nền kinh tế”.

Lo nguồn nhân lực

Dù đã chỉ ra hàng loạt hiệu quả từ việc ứng dụng CNVT, song bên lề hội thảo “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tên lửa, vệ tinh và các hệ thông dẫn đường” vừa tổ chức, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân vẫn thẳng thắn chỉ ra những lo lắng về nguồn nhân lực.

Theo Bộ trưởng, công nghệ cao nói chung, công nghệ vũ trụ nói riêng có thể mua hay nhận chuyển giao từ nước ngoài, nhưng nguồn nhân lực đủ trình độ làm chủ công nghệ, ứng dụng thành công trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng ở nước ta đang là một vấn đề lớn và cấp bách. Trong khi đó, trình độ nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay mới ở trên mức trung bình.

Hiện Việt Nam đã hợp tác với Nhật Bản để xây dựng Trung tâm Vệ tinh quốc gia đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là dự án lớn nhất về công nghệ vũ trụ có sự hợp tác nước ngoài với quy mô đầu tư lên tới 600 triệu USD. Từ dự án này, nhiều cán bộ được cử sang Nhật Bản để học tập và nghiên cứ về CNVT.

“Như vậy, Việt Nam sẽ có một nền tảng cũng như đội ngũ cán bộ khoa học về CNVT đáp ứng được yêu cầu của đất nước. Chúng ta đang nghiên cứu để có thể gia nhập Hiệp ước quốc tế về vũ trụ - ngoài việc chúng ta đã ký các hiệp định này với Mỹ, Nga. Việc gia nhập Hiệp ước quốc tế về vũ trụ sẽ tạo điều kiện cho các nhà khoa học Việt Nam tham gia các chương trình quốc tế về nghiên cứu vũ trụ cũng như tận dụng được sự hỗ trợ của thế giới thông qua các dự án hợp tác, huy động được nguồn kinh phí tài trợ của tổ chức quốc tế. Như vậy, tiềm lực về vũ trụ ở Việt Nam sẽ được tăng lên”- Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân kỳ vọng.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho biết, hiện rất khó thu hút người giỏi vào làm việc trong lĩnh vực này do chế độ đãi ngộ chưa có gì khác so với mặt bằng chung của cán bộ công chức, viên chức.

Ông Đào Văn Tuyết - Trung tâm Vệ tinh quốc gia, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam - cũng cho rằng: “Để chủ động nguồn lực, cần làm song song cả hai việc: Bên cạnh việc gửi cán bộ giỏi đi đào tạo ở nước ngoài và hợp tác đào tạo trong nước, chúng ta cần đào tạo nguồn nhân lực một cách bài bản và không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn. Đây là điều hết sức cần thiết với lĩnh vực mới mẻ như công nghệ vũ trụ”.

Việt Nam đang nghiên cứu để làm chủ công nghệ thiết kế vệ tinh. Chúng ta đã thiết kế thành công vệ tinh nhỏ và hướng tới thiết kế vệ tinh siêu nhỏ, đồng thời đã làm chủ được công nghệ điều khiển các trạm mặt đất. Việt Nam cũng đã đưa các vệ tinh viễn thông, viễn thám lên quỹ đạo thông qua nhiều hợp đồng với các tổ chức nước ngoài. Việc chuẩn bị nhân lực sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng để Việt Nam có thể hội nhập và làm chủ công nghệ vũ trụ, ứng dụng vào việc sản xuất và đời sống.