Văn hóa chấp nhận rủi ro
Nhắc lại con đường thành công của Phần Lan, ông Esko Aho nhấn mạnh các yếu tố đã thúc đẩy đổi mới sáng tạo của nước này. Nhân tố cơ bản nhất, theo ông là nền tảng KH&CN mạnh mẽ và một hệ thống giáo dục chất lượng cao, chú trọng đến đội ngũ giáo viên. Đặc biệt, ngay từ nhiều năm trước, Phần Lan đã nhận thức rõ tầm quan trọng của tiếng Anh, tận dụng kiến thức của những người đi ra nước ngoài lập nghiệp và học hỏi. Vị cựu chính khách cũng nhấn mạnh, phải có văn hóa chấp nhận rủi ro và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp mới có thể tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo.
“Đổi mới sáng tạo là sẵn sàng làm một cái gì đó mới mẻ và phải biết chấp nhận rủi ro từ cái mới đó. Chấp nhận rủi ro đòi hỏi phải có sự kiên trì để đạt mục tiêu dài hạn, ví dụ như Phần Lan đã lựa chọn đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển nhiều năm trước đây và kiên trì chờ đợi thành quả sau đó. Nếu không biết chấp nhận cái mới, chấp nhận rủi ro và thiếu sự kiên trì thì không thể có đổi mới sáng tạo” - ông Esko Aho nói.
Theo ông, mối liên kết chặt chẽ giữa khối doanh nghiệp với các trung tâm nghiên cứu cũng là thành tố quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Phần Lan. “Hãng Nokia không có được thời hoàng kim như thế giới đã biết nếu không hợp tác với khối viện, trường. Nhiều đổi mới sáng tạo của Nokia ra đời từ sự hợp tác này” - ông Esko Aho dẫn ví dụ. Do đó, Phần Lan luôn chú trọng chính sách đầu tư vào công nghệ cao và tạo ra các thể chế để thúc đẩy hợp tác công - tư, qua đó tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo.
Khái niệm và thực tế phải cân bằng
Chính tâm thế sẵn sàng đón nhận cái mới, chấp nhận rủi ro đã mở đường cho việc liên tục thay đổi tư duy và khái niệm để có đổi mới sáng tạo ở Phần Lan. Ông Esko Aho cho biết, việc hoạch định chính sách tại Phần Lan dựa trên tư duy thay đổi khái niệm ngay từ khi khái niệm đó chưa đến điểm khủng hoảng trên thực tế nhằm đón trước tương lai. Đây cũng chính là một trong những nhân tố cơ bản giúp Phần Lan tăng trưởng kinh tế nhờ đổi mới sáng tạo.
Liên quan đến việc thay đổi khái niệm để thích ứng với hoàn cảnh mới, ông Esko Aho - người từng là thành viên cấp cao trong ban lãnh đạo Nokia - đã đưa ra cách giải thích về sự thất bại của nhà sản xuất điện thoại di động từng dẫn đầu thế giới này: Nokia đã không dự đoán được và tự thay đổi trong bối cảnh ngành sản xuất điện thoại chuyển từ phần cứng sang nội dung và ưu tiên công nghệ màn hình cảm hứng nên đã dần sa sút trước các đối thủ như Apple và cuối cùng suy sụp.
“Muốn có đổi mới sáng tạo, phải có sự phối hợp uyển chuyển, cân bằng giữa khái niệm với tình hình thực tế và tư duy thay đổi nhịp nhàng như cách thi đấu trong môn bóng đá vậy. Sự thay đổi liên tục sẽ giúp ta tạo ra các khái niệm mới” - ông Esko Aho kết luận.
Cuộc thuyết trình của cựu Thủ tướng Phần Lan Esko Aho nằm trong chuỗi các hoạt động đào tạo nhằm nâng cao năng lực hoạch định chính sách phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý, thuộc khuôn khổ của chương trình Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2).
Ông Esko Aho từng trải qua nhiều vị trí chủ chốt trong cả khối chính phủ và khu vực tư nhân như: Thủ tướng Phần Lan (1991-1995), Chủ tịch Quỹ Phát triển đổi mới sáng tạo của Nghị viện Phần Lan (SITRA), Phó Chủ tịch Tập đoàn Nokia... Ông cũng tham gia nhóm chuyên gia xây dựng chính sách cho EU để thúc đẩy nghiên cứu và tăng cường hiệu năng cho đổi mới sáng tạo. |