Thảo luận về các vấn đề biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019, Cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, để quá trình chuyển đổi từ nhiệt điện sang một số năng lượng tái tạo khác diễn ra thành công, điểm quan trọng nhất là cho phép tư nhân tham gia tích cực.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 diễn ra tại Hà Nội ngày 17/1, ông John Kerry, Cựu ngoại trưởng Mỹ, Chủ tịch danh dự Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie, đã tham gia thảo luận về các vấn đề biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng.

Ông John Kerry trong Diễn đàn Kinh Tế Việt Nam 2019
Ông John Kerry tại Diễn đàn Kinh Tế Việt Nam 2019 | Ảnh: Tuấn Mark

Mặc dù thách thức của mỗi quốc gia về vấn đề năng lượng là khác nhau nhưng đều có điểm chung là nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao.

“Việt Nam phải kiềm chế [tốc độ tiêu thụ cao này] dù muốn hay không vì đang khó có thể đáp ứng được nhu cầu năng lượng ngày càng tăng này”, ông Kerry bày tỏ.

Báo cáo tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam vào tháng 9/2018 cho biết tiêu thụ điện tại Việt Nam tăng bình quân khoảng hơn 12%/năm từ 2003 đến 2018 và dự kiến tốc độ này sẽ tăng trưởng ở mức cao, gần 300 tỷ kWh vào năm 2020 và gần 650 tỷ kWh vào năm 2030.

Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu thiếu hụt về điện, Việt Nam đã lên kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy điện than. Cả nước hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động và theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) thì Việt Nam có kế hoạch phát triển thêm 52 nhà máy nhiệt điện than đến năm 2030.

Việt Nam đang lệ thuộc rất lớn vào nguồn năng lượng nhiệt điện than, với tỷ trọng cao nhất là 40% tổng sản lượng điện và gấp 1,5 lần thủy điện.

Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), chi phí điện than - khi tính đến tất cả các chi phí ngoại biên do than đá gây ra như làm sạch môi trường, y tế - thì đắt hơn so với giá sản xuất một số loại năng lượng tái tạo khác như điện gió, điện mặt trời. Những khoản chi phí vô hình rất lớn kiểu như vậy thường bị gạt ra khi tính giá thành sản xuất, gây ra ảo tưởng về việc buộc phải lệ thuộc vào nguồn điện truyền thống này.

“Kể cả áp dụng công nghệ mới với than thì đó vẫn là nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất và gây phát thải khí nhà kính chính lớn nhất", cựu Ngoại trưởng Mỹ chia sẻ ý kiến.

Về dài hạn, nhiều quốc gia trên thế giới đang tìm biện pháp thay thế cho các nguồn điện truyền thống thông qua việc phát triển các nguồn năng lượng thay thế sạch hơn như gió, mặt trời, khí đốt tự nhiên, thủy điện, điện hạt nhân…

"Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trong việc xây dựng một nguồn cung năng lượng tuyệt vời, sạch, và giá rẻ. Điều này là hoàn toàn khả thi", cựu Ngoại trưởng Mỹ hào hứng nói.

Trong phiên Đối thoại chính sách cấp cao của Diễn đàn 2019, khi được hỏi quan điểm của ông rằng Việt Nam cần những ưu tiên chính sách gì khi chuyển đổi năng lượng, ông Kerry cho rằng điểm quan trọng nhất là cho phép tư nhân tham gia tích cực. Mặc dù Việt Nam đã cho phép các doanh nghiệp tư nhân vào những lĩnh vực quan trọng như ngân hàng, hàng không, công nghệ, xây dựng, giáo dục,… nhưng lại chưa mấy mở cửa cho ngành năng lượng.

Theo ông Kerry nhận xét, điều quan trọng hiện giờ là phải tạo ra một thị trường điện có tính cạnh tranh hơn và cần có ai đó nhảy vào tạo dựng nên thị trường [mới] đó. EVN hoàn toàn có thể trở thành đối tác của các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào ngành trong quá trình chuyển đổi nguồn năng lượng theo hướng sạch và tái tạo bằng cách mua lại năng lượng từ các doanh nghiệp khác nhau ở giá hợp lý và xây dựng các cơ cấu truyền tải điện thích hợp để mọi người mang điện đến Tổng công ty này. Chính phủ có thể khiến quy trình này xảy ra nhanh chóng.

“Cần nhớ rằng EVN đại diện cho điện chứ không phải than,” ông Kerry nói thêm. Và theo ông, có những nguồn thay thế than mà Việt Nam có khả năng phát triển và cần được khuyến khích.