Vừa qua, Viện Khoa học và Công nghệ (KH&CN) môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội đã phối hợp với Công ty TNHH nhà nước một thành viên thoát nước Hà Nội lấy mẫu đánh giá tác động môi trường phục vụ công tác nạo vét hồ Hoàn Kiếm.

Đây là đợt cải tạo lòng hồ Hoàn Kiếm có quy mô lớn nhất trong vòng 20 năm qua.

PGS-TS Hoàng Thị Thu Hương - Phó Viện trưởng Viện KH&CN môi trường - cho biết: “Hồ Hoàn Kiếm có một số tảo đỏ phát triển mạnh trong điều kiện phú dưỡng khiến màu nước thay đổi. Lượng trầm tích ở hồ cũng tăng lên mỗi năm, nếu chỉ thay nước sạch, không xử lý trầm tích thì hồ sẽ tái ô nhiễm rất nhanh.

Nhân viên môi trường tiến hành lấy mẫu tại hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Lê Long

Vì vậy, dự án sẽ tập trung đánh giá ảnh hưởng của môi trường đến chất lượng nước hồ rồi mới đưa ra các giải pháp. Giữ được màu xanh của nước hồ là điều rất quan trọng; để làm được điều đó thì phải quan tâm đến hệ sinh thái đặc trưng của hồ, chất lượng nước phải đảm bảo tiêu chuẩn quy định”.

Với vai trò đơn vị tư vấn, viện đã lấy mẫu khí, mẫu nước và mẫu trầm tích theo các mặt cắt của hồ, từ đó xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường đến hồ, trình Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ TN&MT trước khi hoàn thiện phương án nạo vét hồ Hoàn Kiếm để trình Thủ tướng phê duyệt.

Ông Phạm Ngọc Toàn - Trưởng phòng Kỹ thuật công nghệ, Công ty thoát nước Hà Nội - cho biết, lượng bùn tích tụ trong lòng hồ Hoàn Kiếm đã dày đến 1m, nhiều điểm chỉ cách mặt nước 50cm. Vì vậy, nạo vét bùn đáy hồ là bước quan trọng để cải tạo môi trường nước hồ.

Phương án cụ thể là chia hồ thành 12 khu vực để nạo vét dần, dùng lưới vây để dồn các loài thủy sản, sinh vật có trong hồ về một phía và nạo vét từng ô. Nếu phương án này được chấp nhận sẽ mất 4 tháng để thực hiện và công việc nạo vét chỉ được tiến hành trong khoảng thời gian từ 22h đến 5h hôm sau. Đối với vùng xung quanh phần kè hồ, các khu vực tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, sẽ có phương án làm thủ công để bảo vệ chân kè.

GS-TSKH Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - cho rằng việc đánh giá tác động của hoạt động cải tạo đối với tính chất của hồ Hoàn Kiếm là việc làm cần thiết lúc này để việc cải tạo không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường cũng như ý nghĩa tốt đẹp về mặt tâm linh của hồ Hoàn Kiếm.