Đại diện của cộng đồng làm nghệ thuật và sáng tạo của 18 quốc gia đã có mặt tại thủ đô Kualar Lumpur của Malaysia hôm 11/3, để cùng chia sẻ câu chuyện đang là mối bận tâm lớn nhất của cộng đồng làm nghề: “Hubs for good” – tạm dịch: Làm thế nào để các không gian sáng tạo có thể hoạt động hiệu quả hơn, đóng góp cụ thể hơn vào nền kinh tế sáng tạo.

Đỗ Hữu Chí “Bút chì”. Ảnh: KH&PT
Đỗ Hữu Chí “Bút chì”. Ảnh: KH&PT

Thái Lan vẫn đi đầu

Nếu bây giờ, đến Bangkok, sẽ thấy khắp nơi đều có những “art space” – không gian nghệ thuật. Thường cấu trúc của nó là vầy: một bạn nghệ sĩ trẻ nào đó, muốn tự do sáng tạo, sẽ thuê cái nhà, sửa lại theo phong cách của mình, ở dưới làm phòng triển lãm của mình và bạn bè, ở trên thì làm phòng cho thuê theo dạng ứng dụng AirBnB. Khắp nơi là art space nho nhỏ như thế. Và trên con phố nào, cũng tồn tại những phòng triển lãm to thật to, khang trang, đẹp đẽ và liên tục có những triển lãm khác nhau của nghệ sĩ từ mọi nơi trên thế giới…

Lần nào đến Bangkok, tôi cũng thích dẫn bạn bè ghé qua Thai Creative and Design Center (TCDC) – Trung tâm sáng tạo và thiết kế Thái Lan. Đó là một nửa cái bưu điện trung tâm Bangkok được xẻ ra, dành không gian cho sáng tạo lên ngôi. Tòa nhà 7 tầng được phân khu đầy đủ chức năng cần cho sáng tạo: tầng hầm là một nhà triển lãm với hệ thống ánh sáng tiêu chuẩn hàng đầu, tầng 1 là phòng bày bán các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng như xà phòng, vải, sổ và nhiều thứ đèm đẹp, ngồ ngộ do nghệ sĩ trẻ làm ra. Rồi là phòng họp, phòng hội nghị, trung tâm nguyên vật liệu, makerspace – không gian sáng chế, thư viện và khu làm việc chung. Tất nhiên, vì sáng tạo cần có mạng lưới, nên họ có luôn một không gian tiệc tùng trên cao, ngoài trời với các góc nhìn đẹp nhất thành phố…

TCDC không chỉ có vậy. Nó còn có hệ thống gần 20 điểm liên kết, là các trung tâm nhỏ hơn, chuyên sâu hơn, và trải dài khắp Thái Lan.

Nhưng lần này, câu chuyện Thái Lan mang đến không phải là “khoe của” nữa. Họ giới thiệu câu chuyện về mạng lưới không gian sáng tạo bên trong tất cả các trường đại học ở Thái Lan. “Đây là một dự án kỳ lạ, vì thường các nghệ sĩ tự làm ra không gian theo cách của mình, rồi mới tìm kiếm tài chính, mô hình kinh doanh… Chúng tôi được phát một đống tiền, xong phải loay hoay đi khắp nơi trên thế giới để tìm cách thực hiện được mong muốn to lớn này của Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học” – Phó giáo sư Alice Tienprasert – một người luôn gặp ở hầu hết các diễn đàn sáng tạo, chia sẻ như thế.

Và đến giờ, bà đã tìm ra công thức vận hành của chuỗi các không gian để thổi bùng sự sáng tạo trong sinh viên Thái Lan thời mới. Đầu vào là sự sáng tạo, quá trình bao gồm: sự hòa nhập giữa các nghiên cứu và kiến thức của trường đại học với tri thức bản địa và tài nguyên thiên nhiên. Kết quả đầu ra chính là đổi mới sáng tạo. Bà, cùng những cộng sự của mình, đã xây dựng xong mô hình kết hợp các thành tố trong trường đại học như không gian làm việc chung, không gian sáng tạo, thư viện, phòng lab, kiến thức kinh doanh để tạo ra các sản phẩm sáng tạo có giá trị cao trên thị trường và phát triển bền vững.

Chuyện những người bất trị ở Indonesia

Đại diện cho Indonesia là trưởng nhóm của những chàng trai “bất trị” mang tên Andreas Siagian của Lifepatch. Đây là nhóm những kỹ sư, nhạc sĩ và nghệ sĩ trẻ ngồi lại với nhau, để tìm cách khuấy động nền văn hóa, tạo ra những tác phẩm mới, không khí mới và trường phái mới trong sáng tạo. Thứ mà họ theo đuổi, được gọi là “Jugaad innovation”. Tìm quanh, thì ra đây là khái niệm của cuốn sách cùng tên do tác giả Navi Radjou cùng hai đồng nghiệp Jaideep Prabhu và Simone Ahuja xuất bản. Từ Jugaad trong ngôn ngữ Hindi ở bắc Ấn Độ có nghĩa là khôn khéo, năng động – là đặc trưng của các doanh nghiệp thành đạt ở những nước mới nổi vốn năng động sáng tạo trong hoàn cảnh khan hiếm nguyên liệu và vốn. Cuốn sách này đang gây tranh luận sôi nổi trong giới lãnh đạo ngành công nghệ cao. Tác giả sách này định nghĩa: “Chúng ta học” cách đổi mới sáng tạo với tinh thần tiết kiệm. Doanh nghiệp ở các nước mới nổi hằng ngày phải đối mặt với sự thiếu thốn tài chính hoặc yếu kém về cơ sở hạ tầng, thậm chí không có. Vì thế họ cực kỳ nhạy bén, sáng tạo trong việc sử dụng nguồn kinh phí ít ỏi để tạo ra những sản phẩm hữu ích và từ đó họ còn sáng tạo ra cả những mô hình kinh doanh mới”.

Andreas phàn nàn về chuyện người ta chi quá nhiều tiền cho đổi mới sáng tạo, chẳng hạn như Iphone, là một khối tròn kín bưng, khó mà sửa chữa được, không như trước đây, máy móc đều có kèm theo tài liệu hướng dẫn sửa chữa. “Chúng tôi muốn sửa chữa mọi thứ, tái tạo lại công năng của những sản phẩm quanh mình, để không tạo ra thêm rác thải công nghệ trên Trái đất này nữa”.

Dấu ấn Việt Nam

Việt Nam có hai đại diện tham gia kể chuyện ở diễn đàn này. Một, là chuyện của Bung Trần, người cùng lúc đảm nhiệm vị trí phó chủ tịch ở ba không gian sáng tạo khác nhau: 100% nhà nước, hợp tác công tư và 100% tư nhân. Anh kể về tinh thần của cá chuồn, thứ hình xăm trên người của Bung, và đó là tinh thần mà cả ba không gian này theo đuổi: tự do, giỏi thích nghi, nhiều kỹ năng sinh tồn và luôn luôn biết cộng tác với nhau.

Dự án Gieo. Ảnh: KH&PT
Dự án Gieo

Còn lại, là hành trình kỳ lạ của Chí “Bút chì”, người sáng lập của dự án Gieo – Toa Tàu, đã mang nghệ thuật đi khắp Việt Nam trong năm qua. Chí cùng những người bạn của mình, cả quen lẫn không quen, đi đến những bệnh viện để cùng bệnh nhân dệt nên bức phù điêu gấp bằng hàng ngàn con chim hạc. Họ đi đến đảo Lý Sơn, để cùng trẻ em của huyện đảo nghèo này làm nên những tác phẩm lung linh huyền diệu bằng chính cái nơm bắt cá. Họ về làng nghề Bến Tre để sẻ chia tình yêu nghệ thuật, vì với họ, nghệ thuật có sức mạnh của tưởng tượng, của chữa lành, và nó phải dành cho tất cả mọi người chứ không của riêng một nhóm nào…

Doanh nghiệp ở các nước mới nổi hằng ngày phải đối mặt với sự thiếu thốn tài chính hoặc yếu kém về cơ sở hạ tầng, thậm chí không có. Vì thế họ cực kỳ nhạy bén, sáng tạo trong việc sử dụng nguồn kinh phí ít ỏi để tạo ra những sản phẩm hữu ích và từ đó họ còn sáng tạo ra cả những mô hình kinh doanh mới”, theo Navi Radjou.