"Chúng ta cần tập trung triển khai 6 nội dung trọng tâm mà hai bộ trưởng đã ký, ít nhất là đến năm 2020. Để triển khai được, chúng ta phải nắm rõ sau khi thực hiện 6 nội dung này sẽ đạt được những kết quả gì và cần làm thế nào để sớm hoàn thành mục tiêu đề ra".

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Quốc Khánh đã phát biểu như vậy tại cuộc họp chiều 23/2 về việc triển khai Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giai đoạn 2016- 2020 giữa Bộ KH&CN và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) trong năm 2017.

Chương trình này được hai bộ ký kết ngày 11/11/2016 với 6 nhiệm vụ trọng tâm sau: Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục sản phẩm quốc gia đối với cà phê, sâm Ngọc Linh và tiếp tục lựa chọn 3-5 sản phẩm trọng điểm khác; triển khai 3-5 nhiệm vụ/dự án KH&CN có quy mô lớn, giải quyết đồng bộ về KH&CN; triển khai 6 cụm nhiệm vụ trọng điểm cấp bộ, ưu tiên sản phẩm chủ lực xuất khẩu; đầu tư nâng cấp phòng thí nghiệm trọng điểm cấp quốc gia chuyên ngành nhằm phục vụ nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật mới trong công nghệ tế bào động vật và thực vật; xây dựng vườn thực vật quốc gia, trung tâm nguồn gene vật nuôi quốc gia, trung tâm nguồn gene thủy sản quốc gia; đầu tư phát triển 1-2 tổ chức KH&CN trực thuôc Bộ NN&PTNT thành tổ chức KH&CN mạnh.

 Toàn cảnh buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa hai bộ.

Báo cáo về tình hình triển khai các nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2016-2020 của chương trình phối hợp, ông Nguyễn Đình Hậu - Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế, kỹ thuật, Bộ KH&CN - cho biết, trong 6 nhiệm vụ trọng tâm kể trên, hiện đã có một số nội dung có thể triển khai ngay, một số nội dung cần chờ ý kiến phê duyệt.

Ông Hậu cũng cho biết, ngoài cà phê và sâm Ngọc Linh, Bộ NN&PTNN đề xuất bổ sung sản phẩm tôm vào danh mục sản phẩm quốc gia. Bộ KH&CN đang lấy ý kiến các thành viên ban chỉ đạo chương trình phối hợp về 3 sản phẩm này trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cũng theo đề xuất của Bộ NN&PTNN, Bộ KH&CN đang hướng tới lựa chọn cây hồ tiêu và cây thanh long làm một trong những sản phẩm trọng điểm khác của ngành nông nghiệp. Sau khi Thủ Tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia, sản phẩm quốc gia, hai bộ sẽ thống nhất giao cho các đơn vị trực tiếp thực hiện phát triển sản phẩm lúa gạo, nấm ăn và nấm dược liệu, cá da trơn.

Hiện đề án phát triển sản phẩm lúa gạo đã được phê duyệt và cấp kinh phí thực hiện 75 tỷ đồng. Các nội dung phát triển sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu đã được thẩm định, sẽ được cấp kinh phí từ năm 2017. Với sản phẩm cá da trơn, hiện vẫn chưa xác định xong đề án khung, dự kiến quý IV năm 2017 sẽ hoàn thành.

Sau khi nghe các ý kiến trao đổi từ đại diện hai bộ, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, chương trình phối hợp cần tập trung triển khai 6 nội dung trọng tâm mà hai bộ trưởng đã ký và triển khai nội dung phối hợp hoạt động trong năm 2017. "Cụ thể là xây dựng hệ thống các nhiệm vụ, trong đó cần xác định bao nhiêu nhiệm vụ cấp quốc gia, bao nhiêu nhiệm vụ cấp bộ" - Thứ trưởng Khánh nói. Theo ông, vấn đề tiêu chuẩn, quy chuẩn đo lường rất quan trọng, cần phải có quy hoạch. Ngành nông nghiệp cần rà soát lại tổng thể các tiêu chuẩn, quy chuẩn của ngành để phối hợp với Bộ KH&CN điều chỉnh.

Về phía Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng cần xây dựng khung nghiên cứu cho từng lĩnh vực và phân luồng các nhiệm vụ. Bộ Bộ NN&PTNT sẽ tập trung đặt hàng nhiệm vụ khoa học tới các đơn vị để thuận lợi hơn khi phối hợp triển khai với Bộ KH&CN.

Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giai đoạn 2016- 2020 đã được Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNN ký kết ngày 11/11/2016. Theo đó, hai bộ sẽ ưu tiên thực hiện hiệu quả Chương trình công nghệ sinh học trong nông nghiệp, thủy sản;Chương trìnhnông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;Chương trìnhphát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, sản phẩm lợi thế của địa phương.

Hai bộ sẽ phối hợp xây dựng một số dự án KH&CN cấp quốc gia, chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp bộ (ưu tiên tập trung cho một số ngành hàng, sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh cấp quốc gia), đặc biệt chú trọng nghiên cứu phát triển công nghệ chế biến sâu, công nghệ bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản Việt Nam...