Đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp truyền thông xã hội đều thống nhất quan điểm cần có bộ quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam.

Tại buổi giao ban doanh nghiệp truyền thông xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức sáng nay, 25/11/2015, ở Hà Nội, một trong những nội dung chính được tập trung thảo luận là có nên xây dựng bộ quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam hay không.

Đại diện cho Diễn đàn OtoFun, ông Nguyễn Mạnh Thắng chia sẻ kinh nghiệm của Diễn đàn mình. Đó là nguyên tắc OtoFun nói không với chủ đề chính trị. Các thành viên tham gia OtoFun chỉ tập trung nói về lĩnh vực chuyên biệt là ô tô, xe máy; đặc biệt cố gắng tuyên truyền về văn hóa giao thông, an toàn giao thông để giảm thiểu vấn nạn mỗi ngày trung bình 25 người sau khi ra đường thì không thể trở về nhà an toàn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đánh giá cao mô hình hoạt động của OtoFun, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhận định: “Đây là ví dụ hay về 1 mạng xã hội có thể thành công, đem lại lợi ích cho cộng đồng. Trên cơ sở kinh nghiệm của Otofun, cần phải sớm nghiên cứu, xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội tại Việt Nam. Cần xem xét trách nhiệm của Hiệp hội Truyền thông số Việt Nam trong việc này (không có đại diện nào của Hiệp hội Truyền thông số Việt Nam tham dự buổi giao ban sáng nay – PV)”.

Chia sẻ vấn đề nêu trên, bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông nói: “Trong một thông điệp mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh sự ủng hộ cao sáng kiến xây dựng Bộ quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức trên Internet do các chính khách, giáo sư của Diễn đàn Toàn cầu Boston khởi xướng. Bộ quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức trên Internet này sẽ là nền tảng cho người sử dụng, hành lang cho người sử dụng Internet, doanh nghiệp mạng xã hội, truyền thông xã hội tuân theo. Cần phải Việt hóa, nội luật hóa Bộ quy tắc của Diễn đàn Boston để phù hợp hoàn cảnh nước mình”.

Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thôngTrương Minh Tuấn trong buổi họp giao ban sáng 25/11.
Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thôngTrương Minh Tuấn trong buổi họp giao ban sáng 25/11.

Bà Lê Thị Ngọc Mơ còn kiến nghị phải sớm đưa nội dung giáo dục về mạng xã hội, sử dụng Internet vào nhà trường.

Ở góc độ khác, ông Võ Thanh Lâm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT cũng đề xuất: “Công tác tuyên truyền, truyền thông về các văn bản liên quan tới lĩnh vực mạng xã hội thời gian qua còn hạn chế. Cần phải tuyên truyền đến tận từng người dùng mạng xã hội. Thời gian tới, các chương trình truyền thông cần mở rộng đối tượng tuyên truyền để có thể phổ biến các quy định pháp luật tới mọi đối tượng liên quan”.

Đồng tình với sự cần thiết phải ban hành bộ quy tắc ứng xử, chuẩn mực cho người sử dụng Internet, mạng xã hội, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng lưu ý: “Nếu có bộ quy tắc ứng xử, chuẩn mực chung như vậy thì sẽ có thể bù đắp những “khoảng trống” mà văn bản pháp luật hiện không điều chỉnh được”.

Kết luận buổi giao ban, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết phải sớm xây dựng bộ quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam. Theo Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, nhiều cơ quan báo chí nước ngoài như BBC cũng đã có bộ quy tắc ứng xử trên mạng.

“Thời gian tới, chúng ta cần cố gắng để thông tin tuyên truyền tốt, với tư duy lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu. Các doanh nghiệp mạng xã hội cần có cơ chế nhắc nhở, cảnh báo vi phạm, cơ chế kiểm duyệt nội dung để thay thế từ khóa vi phạm. Lần họp giao ban doanh nghiệp truyền thông xã hội trước đã có ý tưởng xây dựng từ điển những từ nhạy cảm. Các nhà mạng có thể làm việc này. Mong có sự phối hợp tích cực của các nhà mạng, doanh nghiệp truyền thông xã hội vì một xã hội thông tin lành mạnh, vì lợi ích quốc gia là trên hết”, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn khuyến nghị thêm.

Trong thông điệp mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khuyến nghị: “Trong khi thế giới tiếp tục tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật, xây dựng luật pháp quốc tế về an ninh Internet, thì Bộ quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức trên Internet là rất cần thiết. Chúng ta - mọi người dân Việt Nam hãy cùng người dân thế giới chung tay xây dựng môi trường Internet Tinh khiết và Trong sạch. Không truyền đưa, phát tán các thông tin độc hại, các thông tin chưa được kiểm chứng, không có nguồn gốc đáng tin cậy; không dùng ngôn ngữ dung tục làm tầm thường hóa con người trong các bài viết, tranh ảnh, hay bình luận, trao đổi trên mạng. Các chuyên gia công nghệ thông tin cần nâng cao trách nhiệm, không tiếp tay cho tội phạm công nghệ, không phát tán virus, không tham gia vào các hoạt động tấn công, khủng bố thông tin trên mạng… Chúng ta không chỉ nêu cao trách nhiệm, làm tốt ở trong nước mà cần tham gia vận động bạn bè thế giới qua kết nối Internet hưởng ứng sự kiện này”.