Đó là ý kiến của PGS.TS. Lê Thị Nam Giang - Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ Trường Đại học Luật TPHCM tại Tọa đàm “Quản trị tài sản trí tuệ trong trường đại học, cao đẳng: Thực trạng và giải pháp” do Sở KH&CN TPHCM tổ chức ngày 16/5.

Đây cũng là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng “Ngày KH&CN Việt Nam 18/5” của Sở KH&CN TPHCM.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Khắc Thanh - Phó Giám đốc Sở KH&CN TPHCM - mong muốn các trường đại học, cao đẳng chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn, đưa ra những ý kiến đóng góp, đề xuất kiến nghị, giải pháp để Sở KH&CN TPHCM làm cơ sở xây dựng những cơ chế, chính sách thúc nhằm đẩy hoạt động quản trị tài sản trí tuệ có hiệu quả hơn.

Theo đó bà Giang cho rằng, mỗi một trường đại học, cao đẳng có thể thành lập Trung tâm sở hữu trí tuệ, bộ phận chuyên trách hoặc các bộ chuyên trách về lĩnh vực này tùy thuộc vào tài sản trí tuệ mà trường mình đang có và chính sách thương mại của nhà trường. Trường Đại học Luật TPHCM thành lập Trung tâm Sở hữu trí tuệ do ngoài việc phục vụ công tác quản lý, đào tạo, nghiên cứu, nhà trường còn hướng tới phục vụ xã hội như cung cấp các dịch vụ tư vấn, đào tạo,… Nhưng đối với những trường nếu không khai thác thương mại từ tài sản trí tuệ thì chỉ cần thành lập bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách về sở hữu trí tuệ.

Ông Nguyễn Khắc Thanh - Phó Giám đốc Sở KH&CN TPHCM phát biểu tại Tọa đàm
Ông Nguyễn Khắc Thanh - Phó Giám đốc Sở KH&CN TPHCM phát biểu tại Tọa đàm

Bà Giang cho biết thêm, hiện nay nhiều trường đại học, cao đẳng chưa xây dựng được bộ phận, cán bộ chuyên trách về sở hữu trí tuệ. Vì vậy công tác tư vấn cho nhà trường và các nhà khoa học trong việc xác định các đối tượng sở hữu trí tuệ có thể được bảo hộ đối với kết quả nghiên cứu chưa được thực hiện tốt. Ngoài ra, nhiều giảng viên chưa được trang bị tốt kiến thức về sở hữu trí tuệ dẫn đến hệ lụy là nhiều tài sản trí tuệ chưa được xác lập quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa có được phương án tối ưu trong xác lập quyền.

Theo bà Giang, số lượng tài sản trí tuệ được xác lập quyền từ hoạt động nghiên cứu hiện nay ở các trường đại học chưa tương xứng với kết quả nghiên cứu, tiềm năng của trường, việc khai thác thương mại từ quyền sở hữu trí tuệ chưa cao, vấn đề quản trị tài sản trí tuệ chưa được coi trọng ở các trường đại học.

Minh chứng cho điều này, bà Giang đưa ra con số ĐH Bách khoa Hà Nội có 12 đơn đăng ký sáng chế nhưng được chỉ có 2 bằng được cấp. Hoạt động chuyển giao công nghệ của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong năm 2016 có 87 hợp đồng được ký kết, kinh phí chuyển giao chỉ 13,5 tỉ đồng. Trường Đại học Bách khoa TPHCM trong năm 2015, có 11 đơn đăng ký sáng chế nhưng không có đơn nào được cấp bằng.

PGS. Lê Thị Nam Giang chia sẻ ý kiến tại Tọa đàm
PGS.TS. Lê Thị Nam Giang chia sẻ ý kiến tại Tọa đàm

Đồng tình với ý kiến trên, ThS. Nguyễn Thị Huyền - Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế - Sở hữu trí tuệ Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM cũng cho rằng, hoạt động quản trị tài sản trí tuệ ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay còn chưa đồng bộ giữa các trường, chưa được tổ chức bài bản, có hệ thống do nhiều nguyên nhân. Đó là các trường chưa nhận thức được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ, lãnh đạo chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động này, nhân lực không đủ số lượng và trình độ còn hạn chế,…

Vì vậy, để hoạt động quản trị tài sản trí tuệ trong các trường đại học có hiệu quả, theo bà Huyền cần có cơ chế nhằm đảm bảo sự an toàn thông tin, ghi nhận và phân địn vấn đề sở hữu các tài sản trí tuệ, cơ chế khai thác và phân chia lợi ích khi khai thác các tài sản trí tuệ hiện tại và tài sản trí tuệ có khả năng hình thành trong tương lai khi hợp tác nghiên cứu,…

Bà Giang thì cho rằng, các trường cần xây dựng quy chế quản lý về sở hữu trí tuệ cũng như ban hành các quy định trong thẩm quyền nhằm ngăn ngừa các hành vị xâm phạm quyền tác giả và đưa ra các chế tài đối với hành vi này. Ngoài ra, cần thành lập bộ phận chuyên trách hoặc cán bộ chuyên trách về sở hữu trí tuệ, cũng như đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyên truyền về pháp luật sở hữu trí tuệ.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, nhà trường cũng như các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ giảng viên, nhà khoa học để trang bị kiến thức cũng như nhận thức cho đội ngũ này về sở hữu trí tuệ.