Nhiều đơn vị trực thuộc VUSTA đang gặp khó khăn khi tiếp cận các nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước và với các quy trình về phê duyệt, quản lý nguồn viện trợ nước ngoài.

Ngày 30/11 diễn ra Hội nghị đánh giá hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) giai đoạn 2015 - 2018. Nhìn chung, báo cáo tổng kết hoạt động của VUSTA trong giai đoạn này cho thấy những kết quả khả quan của các tổ chức hoạt động dưới mô hình phi lợi nhuận trực thuộc VUSTA, như khả năng vận động vốn và viện trợ nước ngoài (trung bình khoảng 80 - 90 dự án một năm, với tổng số vốn 10 - 12 triệu USD), số bài báo công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế đạt 150 bài. Các tổ chức này đã có ảnh hưởng xã hội khi triển khai nhiều dự án phát triển hướng tới các nhóm yếu thế trong xã hội.


Ông Trần Xuân Việt, Phó trưởng ban Ban KHCN&MT của VUSTA, báo cáo đánh giá tình hình tổ chức và hoạt động các tổ chức trực thuộc VUSTA

Một số ví dụ tiêu biểu có thể kể đến như, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) trực thuộc VUSTA đã triển khai dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV miễn phí tại cộng đồng vào năm 2016. Dự án có mặt tại nhiều thành phố và miễn phí dành cho những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Dịch vụ bao gồm cả tư vấn, chia sẻ trước và sau xét nghiệm, có thể được thực hiện ngoài giờ hành chính hoặc vào các ngày nghỉ cuối tuần và cho kết quả xét nghiệm sàng lọc nhanh trong vòng 20 phút. Toàn bộ quy trình bảo đảm tính riêng tư và đáp ứng các yêu cầu về điều kiện đối với các cơ sở thực hiện xét nghiệm sàng lọc theo quy định. Trước đó vào năm 2015, ISDS đã từng kêu gọi thành công tài trợ từ Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, Lao, Sốt rét để cung cấp các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ toàn diện cho người nhiễm HIV, cung cấp các dịch vụ giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV. ISDS từng thực hiện nhiều nghiên cứu, tập huấn và đưa ra các khuyến nghị chính sách hướng đến các nhóm dân số thiệt thòi.

Viện Nghiên cứu Xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) trực thuộc VUSTA cũng là nơi thực hiện nhiều nghiên cứu, khuyến nghị chính sách và hoạt động xã hội quan trọng về các nhóm dân tộc thiểu số, cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT). Trong hai năm 2016, 2017, iSEE sử dụng phương pháp nghiên cứu cùng cộng đồng ở Bắc Kạn hướng đến tôn vinh giá trị của đa dạng văn hóa và tầm quan trọng của tri thức bản địa, nâng cao năng lực và tiếng nói cho phụ nữ dân tộc Tày, Dao, Hmông.

Tuy nhiên, các tổ chức trực thuộc VUSTA đang hoạt động dưới mô hình phi lợi nhuận như trên lại gặp phải một số khó khăn. Theo ông Trần Xuân Việt, Phó trưởng ban Ban KHCN&MT của VUSTA, đại diện báo cáo đánh giá tình hình tổ chức và hoạt động các tổ chức trực thuộc VUSTA, các tổ chức này đang gặp khó khăn khi tiếp cận các nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước và với các quy trình về phê duyệt, quản lý nguồn viện trợ nước ngoài.

Cụ thể, qua trao đổi với chúng tôi, đại diện của iSEE cho biết, trong khi các tài trợ nghiên cứu từ nguồn quốc tế đang giảm dần và chủ yếu theo xu hướng ngắn hạn (còn xu hướng kêu gọi tài trợ nghiên cứu trong nước chưa khả thi, hầu như có ít các đơn vị quan tâm và tài trợ các nghiên cứu xã hội) thì iSEE ại vấp phải quá trình xét duyệt viện trợ còn phức tạp, keo dài. Theo nghị định 93/2009/NĐ-CP, hồ sơ xin xét duyệt các nghiên cứu được viện trợ phi chính phủ do các tổ chức nghiên cứu độc lập nộp cho cơ quan chủ quản sẽ được phản hồi trong 20 ngày, nhưng thực tế thời gian thường kéo dài hơn nhiều. “Nhiều đơn vị tài trợ bây giờ chỉ cho thời gian khoảng 5-6 tháng để thực hiện nghiên cứu, mà lại chờ phê duyệt thì quay lại hết thời gian làm nghiên cứu rồi. Mình không thể nào nói với cơ quan tài trợ là tôi muốn nghiên cứu một vấn đề đang bức xúc trong xã hội nhưng phải đợi tới nửa năm sau mới làm được. Họ không thể đợi, mà sẽ tài trợ cho những chỗ khác”, chị Lương Minh Ngọc, viện trưởng viện iSEE chia sẻ.

Trong Báo cáo tại hội nghị, đại diện VUSTA cũng cho biết trong thời gian tới sẽ nghiên cứu thúc đẩy các giải pháp khắc phục khó khăn cho các tổ chức trực thuộc.