Gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có các chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ hơn nạn buôn bán động vật hoang dã. Tuy nhiên, tình hình buôn bán động vật hoang dã đến nay vẫn chưa mấy thuyên giảm, theo một khảo sát mới của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature).

Trước sự kêu gọi của các tổ chức bảo tồn thiên nhiên về việc xiết chặt kiểm soát buôn bán động vật hoang dã nhằm phòng tránh các dịch bệnh trong tương lai, ngày 23/7/2020, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, trong đó, yêu cầu dừng nhập khẩu động vật hoang dã, kiên quyết xử lý các vi phạm về buôn bán động vật hoang dã và kiểm soát hoạt động gây nuôi động vật hoang dã tại các địa phương.

Cá thể rái cá thuộc nhóm 1B, có trọng lượng 8kg, được rao bán tại gian hàng buôn bán chim trời có tên Yên Tâm ở chợ Thạnh Hóa trong tháng 3/2020. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Tuy nhiên, khảo sát nhanh của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho thấy cả trước và sau thời điểm Chỉ thị số 29/CT-TTg được ban hành, tình trạng buôn bán các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã tại nhiều địa phương vẫn không có biến chuyển tích cực, một số chợ động vật hoang dã vẫn hoạt động công khai, thậm chí buôn bán cả các loài động vật quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ. Đặc biệt, vấn nạn buôn bán các sản phẩm từ ngà voi rất sôi động, xuất hiện tại nhiều tỉnh thành ở cả ba miền; hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã tại nhiều trang trại cũng chưa được kiểm soát chặt về mặt thú y, vệ sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Kết quả khảo sát được phản ánh qua Báo cáo “Chưa lối thoát: Nạn buôn bán động vật hoang dã trước và trong đại dịch Covid-19 tại Việt Nam”. Khảo sát nhanh được thực hiện tại 20 tỉnh, thành trong hai năm 2019–2020, trong đó PanNature tập trung vào các cơ sở, tụ điểm buôn bán ngà voi, hổ, rùa và chim hoang dã. Kết quả, có tới 27/31 địa điểm được khảo sát ghi nhận tình trạng buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm từ ngà voi; một số khu chợ tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn buôn bán sôi động các loài rùa, chim và các động vật hoang dã khác, bao gồm loài quý hiếm.

Nhằm hạn chế nguy cơ bùng phát các dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật, Báo cáo đề xuất một số giải pháp ưu tiên như đóng cửa toàn bộ các chợ, địa điểm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp; thắt chặt việc quản lý hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã vì mục đích thương mại kết hợp với việc nghiên cứu, đánh giá và lập danh mục các loài được phép gây nuôi; kiểm soát hoạt động quảng cáo, giao bán sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng và nền tảng thương mại điện tử; khuyến khích cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và không cổ súy các món ăn hay phương thuốc có nguồn gốc từ động vật hoang dã.

Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) được thành lập năm 2006 nhằm bảo vệ môi trường, bảo tồn sự đa dạng và phong phú của thiên nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương thông qua tìm kiếm, quảng bá, thực hiện các giải pháp bền vững và thân thiện với môi trường.

Nguồn: PanNature