Giữa một lịch làm việc dày đặc tại Việt Nam, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe vẫn dành nguyên thời gian buồi trưa để gặp gỡ và chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp, sức cạnh tranh của con người trong thời đại robot và đưa ra nhiều kỳ vọng về cộng đồng khởi nghiệp Pháp - Việt.

Thích nghi với thay đổi

Buổi trưa ấy, chương trình chia làm 2 phần: phần gặp gỡ ban đầu với ông Mounir Majhoubi - Quốc vụ khanh phụ trách Công nghệ số và một nhà toán học hàng đầu của Pháp, người đã cùng đoạt giải thưởng Fields cùng với giáo sư Ngô Bảo Châu. Tuy nhiên, ai cũng... lo ra vì chờ Thủ tướng tới. Hơn 150 khách, bao gồm cộng đồng doanh nhân Pháp tại Việt Nam, câu lạc bộ khởi nghiệp French Tech cùng rất đông các doanh nhân khởi nghiệp thực sự không tập trung mấy vào câu chuyện về nền tảng toán học, về ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo trong kỷ nguyên mới hay những cam kết hỗ trợ của Chính phủ Pháp với khởi nghiệp...

Rồi Thủ tướng Edouard Philippe cũng xuất hiện. Cao thật là cao, và mặc một bộ vest cắt may rất khéo, tôn dáng người gầy gầy của ông. Ông mỉm cười và gật đầu chào mọi người. Bà Nguyễn Phi Vân, đại diện cộng đồng khởi nghiệp lên trình bày về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam với tà áo dài lãnh Mỹ A đen tuyền. Sự cố xảy ra: ghế quá cao so với bà Vân, nên bà xin phép đứng trình bày. Thủ tướng nhẹ nhàng cũng đứng dậy, đưa tay động viên bà Vân. Mọi người thì thầm: “Đúng là lịch lãm kiểu Pháp”.

Thủ tướng Pháp (thứ hai từ trái sang) trao đổi với các nhà sáng lập khởi nghiệp.
Ảnh: Trương Thanh Tùng

Đến cá nhân tôi, cùng hai nhóm khởi nghiệp khác được mời lên ngồi cùng ông để kể câu chuyện của mình. Ông nghe với sự thích thú không giấu giếm. Tôi bảo: “Ban tổ chức dặn là tuyệt đối không được tặng quà cho ông. Nhưng các bạn lỡ chọn cái cà vạt này, thêu cờ Pháp cùng với tên ông lên rồi...”. Ông lại mỉm cười, với qua lấy cái cà vạt, bảo: “Tôi thích những bất ngờ, và tôi thích chơi với những người trẻ”. Xong ông đưa cái cà vạt lên, và bảo: “Hãy nhớ xem ti vi, sẽ thấy tôi mang cái cà vạt khởi nghiệp Việt Nam đấy”. Tôi hiểu rằng, ông đồng ý dùng tên tuổi của mình để quảng bá cho một doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ xíu ở Việt Nam...

Rồi ông phát biểu, tay vẫn cầm cái cà vạt: “Thích nghi với những thay đổi của thế giới và coi đó là cơ hội cho những người sáng tạo can đảm. Trong tương lai, có thể không chỉ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Pháp mà cả các doanh nghiệp nhỏ của Pháp cũng tham gia đóng góp tích cực hơn vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, bởi các doanh nghiệp nhỏ có lợi thế về sức sáng tạo và đổi mới...”.

Thẳng thắn đối thoại

Ông bảo rằng, trước khi làm Thủ tướng, ông từng làm thị trưởng của một thành phố cảng ở Pháp nên hiểu rằng bài toán logistics - điều vận là thứ quan trọng lắm đối với sự phát triển của kinh tế. “Các bạn trẻ lên đây nói về cải tiến logistics làm tôi yên tâm rồi” - ông cười.

“Ông sang Việt Nam chứng kiến các ký kết của các doanh nghiệp rất lớn của Pháp. Vậy ông có sẵn lòng giúp doanh nghiệp khởi nghiệp đi tiếp cận khách hàng không?” - “Bạn làm tôi nhớ hồi mình vừa tốt nghiệp trường luật. Một luật sư mới ra trường làm sao mà có khách hàng, khi ai cũng đòi hỏi kinh nghiệm. Tôi cũng phải tự thân vận động đó thôi. Các bạn cũng phải như tôi, tự thân vận động, chứng minh cách này hay cách khác về năng lực và bản lãnh của mình chứ. Nhà nước hay cá nhân tôi đâu thể giúp được...” - ông thẳng thắn đối diện những thách thức từ cử tọa với sự điềm tĩnh pha lẫn chút hài hước của mình.

Tuy vậy, ông cũng nói nhiều về việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp là một chiến lược đúng đắn, cần sự đồng hành của Chính phủ với các doanh nghiệp nhỏ trên con đường chinh phục thế giới.

Rồi ông đi về, cũng nhanh như lúc tới. Nhưng để lại dư âm của cuộc trò chuyện, của phong thái và của niềm tin rất lớn vào sức sáng tạo, những điều kỷ diệu mà đam mê khởi nghiệp sẽ tạo ra cho thế giới này...

Dù có tài, có tech, bắt đầu bao giờ cũng khó!

Hôm chủ nhật, một bạn startup Pháp hỏi ngài Thủ tướng trong buổi giao lưu tại Sài gòn, hỏi chính phủ có giúp bạn tìm được khách hàng đầu tiên không, nhất là giúp connect – kết nối với các tập đoàn lớn để bán giải pháp của mình. Thủ tướng cười, trả lời, đã ra làm kinh doanh, thì bao giờ bắt đầu cũng khó. Dù cho bạn có tài, có sáng tạo, có technology gì đi nữa thì khởi đầu đương nhiên là khó, tìm khách hàng đầu tiên đương nhiên là khó. Đã là entrepreneur – doanh nhân, thì hơn thua nhau là ở chỗ này, ở việc có thể làm mọi cách khác nhau, rất sáng tạo, để tìm ra khách hàng hay không.

Tại Pháp, nhiều bạn trẻ ra trường không tìm được việc làm, không biết làm sao bèn startup. Việc làm tìm còn không ra, thì làm sao tìm được khách hàng đầu tiên. Là doanh nhân, phải biết tự thân vận động. Có hỗ trợ thì tốt. Không có hỗ trợ mình cũng phải tồn tại được. Chứ không phải có hỗ trợ của chính phủ mới startup. Vậy mới đúng là tinh thần doanh nhân.

Tôi thích cách trả lời này của ngài Thủ tướng Pháp. Tôi nghĩ, không chỉ startup, mà bắt đầu bất cứ việc gì trong cuộc đời này cũng đều khó cả. Học một môn gì mới, xây dựng một thói quen mới, tìm một công việc làm thêm, hội nhập vào môi trường mới, vv, tất cả đều cần sự nỗ lực, cần tính kiên nhẫn, không nản chí trước gian nan. Người có thể bắt đầu, dù rất khó, sẽ thành công. Có điều, tôi thấy nhiều bạn trẻ hay than khó. Trục trặc chút là bỏ. Không suôn sẻ chút là phàn nàn. Không đúng ý chút là dẹp luôn. Nếu vậy, thì trong đời chuyện gì bạn cũng sẽ bỏ thôi... Vì trong đời, dù có tech có tài, bắt đầu bao giờ cũng khó.

Nguyễn Phi Vân