TEDxBachDang, sự kiện TEDx đầu tiên ở Đà Nẵng, sắp sửa diễn ra tối thứ bảy ngày 13 tháng tư này. Với tinh thần “mọi ý tưởng đều đáng để sẻ chia”, TEDx, dù ở đâu, luôn mang đến cho người tham dự những câu chuyện, bài học thú vị. Và những người kể chuyện, speaker, cũng thú vị không kém.

TEDx không còn là một sự kiện xa lạ đối với mọi người trên thế giới. Chương trình tổ chức độc lập với TEDx, được cấp phép và hoạt động tại các địa phương. Tất nhiên, nội dung là chất lượng của các phần nói chuyện trong chương trình TEDx cũng được hỗ trợ, góp ý và giám sát chặt chẽ bởi TEDx toàn cầu, để đảm bảo đúng sứ mệnh của TEDx có thể lan tỏa và tác động đến nhiều người nhất trong quy mô của sự kiện.

Tại Việt Nam, TEDx đã xuất hiện ở nhiều thành phố như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Huế và cuối cùng cũng đã đặt chân đến Đà Nẵng. Trong năm hoạt động đầu tiên này, TEDxBachDang sẽ mở màn với chủ đề “The Dead Child”, nhằm đánh thức “đứa trẻ” ẩn sâu trong mỗi người, trong niềm đam, sự phá phách và cả trong sự ngu ngốc. Vậy nên, những speaker “xông đất” TEDxBachDang đều là những người hiểu rõ “đứa trẻ” bên trong họ. Hay theo cách mà bạn Lê Thị Phương Dung, founder của chương trình, họ là những người tràn ngập yêu thương, vốn sống và mỗi người họ đều liên quan đến chủ đề này theo một cách khác nhau.

Một nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi

Đó là mô tả về cô bé Clara Vy Well-Dang và cũng là một người theo chủ nghĩa thuần chay (tức là không ăn các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, kể cả trứng sữa). Mặc dù chỉ mới 14 tuổi thôi, nhưng Vy đã là nhà sáng lập của câu lạc bộ Green Shoots Earth Ambassador tại Hội An.

Quá trình đến với chủ nghĩa thuần chay của Vy bắt đầu từ khi cô học lớp sáu. Từ việc ngưng ăn thịt sau một chuyến đi học ngắn tại Bali, dần dần, Vy chuyển sang chỉ ăn hải sản và rau củ quả, rồi đến ăn chay và cuối cùng là chủ nghĩa thuần chay. Điều tuyệt vời hơn, bố mẹ đã ủng hộ và đồng hành cùng cô trên con đường này. Với cô gái này, điều quan trọng nhất khi theo lối sống thuần chay chính là kết nối với bản thân mình, và với môi trường. Nhưng Vy cũng cho rằng, không một ai nên cảm thấy xấu hổ hay tội lỗi chỉ vì mình ăn thịt.

Là một cô bé 14 tuổi, vẫn còn đang trong quá trình “chuyển giao” từ một đứa trẻ thành một cô gái tuổi teen, có lẽ hơn ai hết, Vy vẫn giống như “đứa trẻ” ở trong cô vậy. Clara sẽ đến với TEDx cùng chủ đề: “Veganism and Environmentalism - Chủ nghĩa thuần chay và chủ nghĩa môi trường”

“Ông ngoại đáng yêu” của một trường đại học

Thầy Nguyễn Nam, thạc sĩ và tiến sĩ trường Đại học Harvard (Hoa Kỳ) chuyên ngành văn hóa và ngôn ngữ Đông Á. Thầy cũng là giảng viên sáng lập tại trường Đại học Fullbright Việt Nam, ngôi trường đầu tiên hướng đến giáo dục khai phóng, và thu hẹp những khoảng cách giữa định hướng giáo dục và nhu cầu của thị trường.

Lối nói chuyện chậm rãi, từ tốn và làm nghiên cứu trong nhiều năm, cũng như lớn tuổi nhất trong dàn diễn giả, ai nhìn thầy cũng sẽ đặt câu hỏi: liệu “đứa trẻ” trong thầy có còn đó không?

Khi được hỏi suy nghĩ về chủ đề TEDxBachDang năm nay, thầy Nam chia sẻ với ban tổ chức:”Thầy cảm thấy buồn, tiếc, và có phần sợ. Thầy muốn thấy sức sống và hy vọng, nhưng từ “dead” che lấp những điều ấy. Tất nhiên, nói đến “dead” là để hướng tới “revival” (khơi dậy). Chủ đề “Retrieving the beginner’s mind - Thiền sơ tâm, đi với cái tâm của thuở ban đầu” của thầy là nhằm mục đích đó.”

Người đi ngược đường

Chị Lương Việt Nga, cô gái không chịu ở dưới cái bóng của một đứa “con ngoan, trò giỏi” mà nghe theo “đứa trẻ” trong mình, cô trở thành người “kể chuyện” trên cơ thể người khác bằng mũi kim và nét mực.

Xuất phát từ đại diện của trường chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa tham gia chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 7, con đường của Nga như trải đầy hoa hồng, tốt nghiệp Đại học quốc tế RMIT, làm việc cho một công ty Đức, rồi cộng tác với một tập đoàn viễn thông lớn nhất Việt Nam. Tưởng như mức lương 1000USD/tháng sẽ giữ chân Nga lâu dài, nhưng cô lại quyết định bỏ việc đi học nghề xăm, theo đuổi đam mê nghệ thuật của mình.

Trong một bài phỏng vấn với Zing News, khi được hỏi Nga có trong tay những gì sau quyết định đi theo tiếng gọi con tim, cô nở nụ cười: “Chủ một tiệm xăm ở Hà Nội với thu nhập trên 7 con số, có gia đình với cha mẹ luôn thương yêu vô điều kiện, một bạn trai người Pháp luôn thấu hiểu, sẻ chia”

Chị Nga sẽ chia sẻ về “Xăm hình cũng là một phép thiền” trong chương trình TEDxBachDang.

Thầy giáo dạy thiếu nhi

Thầy Nguyễn Chí Hiếu, CEO của Tổ chức giáo dục IEG Global, và là tác giả của hai quyển sách “Làm như lửa yêu như đất” và “Nghiện giấc mơ, bơ lối mòn”. Thầy đã có kinh nghiệm hơn 10 năm trong ngành giáo dục, và đã từng học ở Đại học Oxford và Stanford.

Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ tại buổi ra mắt cuốn sách. Ảnh: daidoanket.vn
Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ tại buổi ra mắt cuốn sách. Ảnh: daidoanket.vn

Đối với thầy Hiếu, con người sinh ra là đã sáng tạo một cách tự nhiên và đó là một cái mạch chảy cần thiết và không nên bị cạn kiệt, vì đó là cái động cơ để mỗi người không ngừng cải thiện bản thân và tạo ra giá trị tốt đẹp. Giáo dục trong những năm đầu đời và cả về lâu dài cần giữ gìn, vun xới và phát triển sự sáng tạo của học sinh, để không kiềm hãm học sinh trong những thứ cũ kỹ và ngăn bước chúng trên con đường phát huy những tiềm năng quý báu trong mỗi đứa trẻ. Mỗi đứa trẻ có thể là Newton, Mozart, Picasso, Gandhi,... theo cách của riêng chúng, và chính giáo dục cần phải nuôi dưỡng được sự khác biệt và phát triển sức sáng tạo của chúng.

Đích đến thật sự không phải là thành công trước mắt mà là ngày mỗi đứa trẻ ra biển lớn, nơi mà chúng phải bước đi bằng chính năng lực và bản lĩnh của mình để đi tìm thành công và hạnh phúc theo định nghĩa của bản thân.
Chủ đề mà thầy Hiếu mang đến là: “”Unschooling” our suffocating child - Hãy để cho đứa trẻ đang “ngạt thở” được “mất học””.

Kẻ “tào lao” có trách nhiệm

Anh Bung Trần, hiện đang là phó chủ tịch của Saigon Innovation Hub, chủ tịch của Studio sáng tạo Traqué. Người sẽ chia sẻ về chủ đề “Cỏ cây hoa lá đều là Phật - Sự kết nối căn nguyên và hòa hợp giữa con người với tự nhiên”.
Ý thức của anh về sự kết nối giữa con người với tự nhiên bắt nguồn từ việc anh khởi nghiệp thất bại, thấy xấu hổ về bản thân mình, nên ở luôn trong nhà không ra đường. Nhưng rồi trời xui đất khiến sao anh tự dưng dưng đi học về nhân tướng học. Anh nhận ra, con người mình bị mất kết nối với tự nhiên ghê gớm và tự thấy mình là một phần không thể tách rời của Trái đất và tự nhiên. Nên phải có trách nhiệm hơn. Vậy là không thể an yên một cách ích kỷ được nữa, phải quay lại giang hồ mà làm việc thôi…

Anh Bung cho rằng, khi mình bước lui ra khỏi công việc sẽ có thể nhìn thấy mọi thứ bình tĩnh, tốt hơn. Đứa trẻ vui tươi, hồn nhiên được có thể là vì nó không chạy tới cấu xé miếng thịt nào, cũng không bị cuốn theo dòng chảy của cuộc đời.

Từ Ego đến Eco

Theo bạn Phương Dung, founder của chương trình, chia sẻ: “Các bài chia sẻ ở TEDx BachDang sẽ theo dòng chảy từ Ego (cái tôi) đến Eco (Hệ sinh thái), kết nối với Ego và kết nối với Eco. Đây là hai cái vòng tròn kết nối cơ bản của một đứa trẻ, và cũng là hai vòng kết nối dễ bị “vỡ” nhất của người lớn. Kiểu như, đôi khi mình rất tự hào là mình kết nối xã hội rất giỏi, networking này kia, nhưng nhìn lại mình chẳng biết gì về bản thân, và cũng chưa biết gì về kết nối với thiên nhiên sao là đúng đắn. Mình mong rằng mọi người sẽ có câu trả lời cho mình tại chương trình.”