200 học sinh từ lớp 5 đến lớp 9, trong đó có hơn ba chục em khiếm thính ở mức độ nặng đã được thực hành những bài tập thú vị dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học ở Viện Toán học.

Buổi học đặc biệt này là “Math day 2020 - Một ngày với Toán học” do Viện Toán học kết hợp cùng Trường PTCS Xã Đàn tổ chức ngày 7/1.

“Tôi thật sự xúc động”, GS.TS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học phát biểu mở đầu buổi học, vì đây là một ngôi trường rất đặc biệt dành cho các em khiếm thính, nhiều em hoàn toàn không nghe và nói được. Ông hi vọng, qua những hoạt động thực hành toán học thú vị, các trò chơi với toán tại Math day 2020, “các em sẽ thích toán hơn một chút, cảm thấy có động lực để tìm đọc những quyển truyện, tạp chí, sách liên quan đến toán”.

PGS.TS Phan Thị Hà Dương giảng bài tại buổi học. Ảnh Tường Lan

Buổi học bắt đầu bằng bài giảng đại chúng của PGS.TS Phan Thị Hà Dương, Viện Toán học về lý thuyết đồ thị và ứng dụng của nó trong cuộc sống. Bài giảng của PGS.TS Phan Thị Hà Dương được thầy Tiến, giáo viên toán của trường Xã Đàn hỗ trợ phiên dịch bằng ngôn ngữ cử chỉ.

PGS. Phan Thị Hà Dương kể câu chuyện về một thành phố xa xưa, nơi có một dòng sông chảy bao quanh và có 7 cái cầu bắc qua sông, nối các khu vực trong thành phố. Câu hỏi đặt ra là, liệu có thể dạo quanh thành phố, lần lượt đi qua 7 cây cầu, mỗi cây cầu chỉ đi qua một lần và kết thúc hành trình ở điểm xuât phát? Không ai chắc chắn là mình có câu trả lời đúng, cho đến năm 1736, khi một nhà toán học có tên là Euler, đã chứng minh được là không thể, qua một đồ thị mô hình hóa đường đi qua 7 cây cầu.

Trong khoảng hơn 30 phút tiếp theo, PGS. TS Hà Dương đã dẫn dắt các em học sinh tiếp tục khám phá một số kiến thức đơn giản trong lý thuyết đồ thị, rồi kết thúc ở câu chuyện về mạng lưới xã hội đang rất quen thuộc với xã hội chúng ta ngày nay: Facebook.

Lắng nghe bài giảng dễ hiểu, cuốn hút của PGS.TS Hà Dương, rất nhiều học sinh đã tỏ ra hứng thú và nhanh trí trả lời các câu hỏi giao lưu, khám phá. Kết thúc bài giảng, các em được chia ra thành nhiều nhóm nhỏ (mỗi nhóm bao gồm cả học sinh khiếm thính và học sinh bình thường), chơi các trò chơi toán học tại các trạm: tổ hợp, logic, hình học, số học, tháp Hà Nội, bốc sỏi, phòng chiếu phim.

Buổi học đặc biệt ở Trường PTCS Xã Đàn nằm trong chuỗi hoạt động của chương trình “Mang toán và sách toán đến trường phổ thông” do tạp chí Pi tổ chức, với sự hỗ trợ của Viện Toán học và Tủ sách Sputnik. Mục đích của chương trình trước hết là làm cho các em học sinh cảm thấy toán học gần gũi hơn, sau đó góp phần nâng cao văn hóa đọc của học sinh. “Chúng tôi muốn thông qua báo chí, sách vở mà hôm nay chúng tôi mang đến đây, các em sẽ thích đọc hơn. Thông điệp xuyên suốt chương trình của chúng tôi là đừng sợ toán, vì toán không khó”, GS Phùng Hồ Hải chia sẻ.

Buổi học tổ chức tại Trường PTCS Xã Đàn là sự kiện thứ 5 (trước đó chuỗi hoạt động được tổ chức tại 4 trường khác nhau của Hà Nội và Hải Phòng).

Học sinh tham gia các trò chơi tại các trạm toán.Ảnh Tường Lan
Học sinh tham gia trò chơi bốc sỏi.Ảnh Tường Lan

GS Phùng Hồ Hải giảng bài cho các em học sinh.Ảnh Tường Lan

Pi là Tạp chí toán do GS Ngô Bảo Châu khởi xướng, ra số đầu tiên vào tháng 1.2017, là Tạp chí hướng đến mọi thành phần học sinh, sinh viên, các giáo viên, giảng viên đại học hay bất cứ ai quan tâm đến toán học và các ứng dụng của nó.

Trong thời gian đầu, nguồn tài chính cho tạp chí Pi được lấy từ toàn bộ khoản tiền mà GS Ngô Bảo Châu được tặng cùng với giải thưởng Fields (15.000 USD). Suốt mấy năm nay, ngân sách để xuất bản, in và phát hành Pi chủ yếu dựa vào các nhà tài trợ. Ban biên tập của Pi làm việc chủ yếu trên tinh thần thiện nguyện.