"Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cần tập trung xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược SHTT quốc gia, đảm bảo chất lượng và tiến độ. Đây sẽ là nền tảng cho sự phát triển của lĩnh vực SHTT trong thời gian tới".

Đó là chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh tại buổi lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), được tổ chức tối 29/7.

Bộ trưởng đánh giá, cùng với quá trình phát triển đất nước, Cục SHTT đã đạt nhiều thành tựu đáng kể; thực hiện tốt vai trò đầu mối giúp Chính phủ và Bộ KH&CN thống nhất quản lý nhà nước về SHTT và trực tiếp quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp. Cục đã triển khai một cách toàn diện các hoạt động trọng tâm.

 Bộ trưởng Chu Ngọc Anh.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh.

Cụ thể, hệ thống pháp luật về SHTT cơ bản được hoàn thiện, tạo sự đồng bộ với hệ thống pháp luật về KH&CN cũng như hệ thống pháp luật của Việt Nam nói chung; phù hợp với chuẩn mực phổ cập của thế giới và đang hướng tới các chuẩn mực tiên tiến của thế giới theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

"Với sự đóng góp quan trọng của SHTT, chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) và chỉ số Cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Năm 2017, GII của Việt Nam tăng 12 bậc xếp 47/127, đây là thứ hạng cao nhất chúng ta đạt được" - Bộ trưởng nói.

Bên cạnh việc nêu bật những đóng góp, thành tựu của cục, Bộ trưởng cũng chỉ ra một số hạn chế đang cản trở sự phát triển như tình trạng tồn đọng đơn, tổ chức và hoạt động của hệ thống SHTT, những thách thức đối với lĩnh vực SHTT trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Để khắc phục các hạn chế đó và tiếp tục phát triển hơn nữa, Bộ trưởng nhấn mạnh, trước mắt, Cục SHTT cần tập trung vào thực hiện một số nhiệm vụ như xây dựng và trình Thủ tướng ban hành Chiến lược SHTT quốc gia; xác định các giải pháp để nhanh chóng giải quyết tình trạng tồn đọng đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp.

"Đặc biệt, cần tăng cường mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp nói riêng, hoạt động của cục nói chung; đổi mới mô hình hoạt động, nâng cao chất lượng công tác quản lý, tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao đời sống của cán bộ công chức, viên chức và người lao động; đảm bảo sự đoàn kết, ổn định của cơ quan" - Bộ trưởng nói.